Hãng hàng không mới: Cạnh tranh bằng cả dịch vụ lẫn quy mô 

(Chinhphu.vn) – Một hãng hàng không mới sẽ gặp nhiều thách thức bởi đây là ngành có lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Điều này có nghĩa khi đã có 2 “ông lớn” đang án ngữ, chiến lược cạnh tranh của hãng mới phải tạo ra lợi thế riêng mới có thể có chỗ trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt này.

 

Cần thiết có thêm sự cạnh tranh

Theo Quy hoạch Phát triển hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.

Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 -2030. Sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.

Để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng nói trên, quy hoạch phát triển hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỉ đô la Mỹ. Hiện 11 dự án đang triển khai, trong đó 7 dự án sẽ hoàn tất trong 3 năm tới. Việt Nam cũng sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới đáp ứng được nhu cầu và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Tuy nhiên, theo TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam cho biết, hàng không Việt Nam hiện tại có 4 hãng hàng không, trong đó Vietnam Airlines và Jetstar Parcific chiếm khoảng 70%, hãng hàng không Vietjet Air chiếm 27% thị phần.

Vị chuyên gia này nhận định, trong tương lai gần, thị phần của Vietjet Air có thể vượt qua Vietnam Airlines. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.

“Vietjet Air là một câu chuyện hay đối với những người ủng hộ tự do cạnh tranh. Khi thị trường có sự tham gia của tư nhân, sẽ tạo sức sống mới cho hoạt động cạnh tranh. Có thêm sự xuất hiện của những hãng hàng không mới, sự cạnh tranh này sẽ tốt hơn, nền kinh tế sẽ năng động hơn hơn”, TS Huỳnh Thế Du nhận định.

Cùng với Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 9/7/2018 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định) được TS. Huỳnh Thế Du cho rằng “Bamboo Airways là kịch bản tốt cho sự cạnh tranh để phát triển ngành hàng không”.

Phải cạnh tranh cả về dịch vụ và quy mô

 

Mặc dù ủng hộ việc cạnh tranh, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát huy vai trò kinh tế tư nhân, song TS. Huỳnh Thế Du cũng nhận định: “Một hãng mới vào sẽ gặp nhiều thách thức bởi đây là ngành có lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Điều này có nghĩa khi đã có 2 “ông lớn” đang án ngữ rồi, chiến lược cạnh tranh của hãng mới phải tạo ra lợi thế riêng mới có thể có chỗ trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt này”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về chiến lược cạnh tranh của hãng, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, “cha đẻ” của Bamboo Airways cho biết, khác với các hãng hàng không mới thành lập trước đó bị “chết yểu” vì chỉ có 1-3 máy bay, Bamboo ngay lập tức sẽ bay 20 máy bay ngay trong năm 2018.

“Hiện, 20 máy bay này đã chuyển về Việt Nam. Đến năm 2019, Bamboo Airways tiếp tục đưa về khoảng 20-30 máy bay nữa để hành khách khi mua vé của Bamboo Airways không lo thiếu máy bay”, ông Trịnh Văn Quyết cho hay.

Về giá vé và dịch vụ, Bamboo Airways sẽ cung cấp dịch vụ hàng không 5 sao ngay khi cất cánh, nhưng sẽ có những chặng bay giá vé rẻ chưa đến 1 sao, thậm chí hãng sẽ miễn phí tiền phòng khách sạn ở cho khách.

Thông tin thêm, ông Quyết cho biết, kế hoạch cất cánh chuyến bay đầu tiên của hãng là ngày 10/10/2018, đường bay ưu tiên là Hà Nội - Quy Nhơn và TPHCM - Quy Nhơn. Thời gian tới, Bamboo Airways sẽ hướng tới mạng bay các địa phương có sân bay chưa được quan tâm như: Thanh Hoá - Quy Nhơn, Quảng Bình, Cần Thơ...

Theo Quyết định 836, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu và các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn FLC).

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt tổ chức, triển khai thực hiện và quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ được kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 92/2016 ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và pháp luật liên quan.
 

Phan Trang
979 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 434
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 434
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88937886