Hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ được 90-95% người gửi tiền 

(Chinhphu.vn) - Hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo bảo vệ toàn bộ được 90- 95% số người gửi tiền.

Đây là mội khuyến nghị quan trọng tại Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả năm 2014 của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).

 

Xác định hạn mức BHTG theo khuyến nghị của IADI

 

Việc xây dựng cơ sở xác định hạn mức BHTG là rất cần thiết để thể hiện tính minh bạch và ổn định của chính sách; đồng thời góp phần củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hoạt động tiền tệ - ngân hàng trong bối cảnh bình thường, cũng như khi xảy ra sự cố.

 

Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) cho rằng, việc xác định hạn mức cần bảo đảm cân bằng giữa bảo vệ người gửi tiền, ổn định tài chính cũng như duy trì kỷ luật thị trường. Cụ thể, hạn mức BHTG cần thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ, ít điều kiện tiếp cận với thông tin. Đồng thời, hạn mức cần đủ thấp để những người gửi tiền lớn không chấp nhận các hành vi rủi ro, tìm kiếm ngân hàng trả lãi suất cao mặc dù biết ngân hàng đó có rủi ro cao hơn.

 

Hạn mức BHTG được xác định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chỉ số lạm phát và các điều kiện kinh tế vĩ mô khác; tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người; sự phát triển của các công cụ tài chính mới; sự tác động của các yếu tố trên đến thành phần và quy mô tiền gửi; mức độ niềm tin công chúng…

 

Trên cơ sở khuyến nghị của FSB, IADI đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cách thức thiết lập hạn mức BHTG. Theo đó, hạn mức nên có giới hạn và phù hợp với mục tiêu chính sách công. Hạn mức phải đảm bảo một phần tỉ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để duy trì kỷ luật thị trường, giảm thiểu rủi ro đạo đức.

 

Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cần có thông tin cụ thể và chính xác về số lượng người gửi tiền, số tài khoản và giá trị tiền gửi. Hạn mức BHTG phải đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG, có cơ chế tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt trong trường hợp nguồn quỹ không đủ để chi trả tiền bảo hiểm.

 

Góp phần bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền

 

Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật BHTG, hạn mức BHTG là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

 

Hạn mức này được Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong từng thời kỳ để phù hợp với sự thay đổi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Những năm đầu, chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, được quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/9/1999. Đến năm 2015, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999/NĐ-CP, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng.

 

Từ ngày 5/8/2017, hạn mức BHTG đã được nâng từ 50 triệu đồng lên mức 75 triệu đồng theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc điều chỉnh hạn mức BHTG thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

 

Theo số liệu khảo sát của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại thời điểm ban hành hạn mức 75 triệu đồng,  số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ là 87,32%, tiệm cận với thông lệ quốc tế là 90% trở lên. Đồng thời, với hạn mức này, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ chiếm hơn 5% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trên toàn hệ thống, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Chính phủ và NHNN đang quyết liệt triển khai tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu. Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong quá trình này là phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.

 

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng hạn mức 75 triệu đồng hiện hành vẫn còn thấp, chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội cũng như quy mô tiền gửi của người dân tại các TCTD; đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng sớm tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm để phù họp với tình hình kinh tế - xã hội, từ đó bảo đảm sự tin tưởng của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng đòi hỏi rất nhiều yếu tố có liên quan như: phương án cần phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, thực trạng hệ thống các TCTD, năng lực tài chính của BHTG Việt Nam, quy định pháp luật về BHTG, tác động của việc thay đổi hạn mức này đối với hành vi của người gửi tiền và hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG…

 

Quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ trong mục tiêu bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, NHNN đã chỉ đạo BHTGVN phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN, hoàn thành việc xây dựng “Đề án nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm”; chủ động đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng hoàn thiện chính sách BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế, phấn đấu đến năm 2030, điều chỉnh hạn mức BHTG hướng tới bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền được bảo hiểm; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng hạn mức BHTG khi điều kiện cho phép.

 

Để Luật BHTG tiếp tục phát huy hiệu quả trong cuộc sống, các cơ quan chức năng cần có sự rà soát, điều chỉnh những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi người gửi tiền và tổ chức tham gia BHTG – chẳng hạn, việc nâng hạn mức BHTG. Điều này cũng phù hợp với chủ trương luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi người gửi tiền của Chính phủ, NHNN và xu hướng hoạt động BHTG trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.

 

Anh Minh

298 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 769
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 769
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87182640