|
4 xã biên giới thuộc huyện Hương Sơn ký cam kết địa bàn không ma túy. Ảnh: Hoàng Anh |
Ngày 28/5, tại xã Sơn Kim 1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Cục C04, Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy tuyến biên giới Việt Nam-Lào.
Đây là chương trình nằm trong kế hoạch của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam-Lào trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và kế hoạch của Cục C04 về triển khai thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Chương trình cũng nhằm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6), Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6).
4 con đường ma túy vào Việt Nam
Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng Cục C04 cho biết, do chịu tác động trực tiếp từ diễn biến tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng, nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Việt Nam cơ bản không phải là nước sản xuất ma túy. Ma túy vào Việt Nam bằng 4 con đường, trong đó 90% thẩm lậu qua tuyến đường bộ (Trung Quốc, Lào và Campuchia), 10% còn lại là qua đường hàng không (qua 2 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài), qua đường biển về tại các cảng lớn như Hải Phòng, TPHCM và cuối cùng là qua đường bưu điện.
Hàng năm, Việt Nam phát hiện trên 21.000 vụ buôn bán ma túy với 31.000 đối tượng. Riêng năm 2018 cả nước thu 2,2 tấn ma túy các loại. Hiện có hơn 50% tội phạm có liên quan đến ma túy đang thụ án tại các trại giam.
Riêng 5 tháng đầu năm 2019, số đối tượng, số vụ tăng 10%. Đặc biệt, lượng ma túy tăng gấp nhiều lần so với năm 2018: Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 7 tấn ma túy các loại, trong đó Hà Tĩnh thu giữ 600 kg, Nghệ An 700 kg…
Tuyến biên giới Việt-Lào tiếp tục được đánh giá là tuyến trọng điểm, phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy. Đáng chú ý là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào tăng mạnh, trong khi trước đây ma túy từ Lào vận chuyển về Việt Nam chủ yếu là heroin, còn ma túy tổng hợp dạng đá chủ yếu thẩm lậu từ Trung Quốc.
Giá giao dịch ma túy tổng hợp dạng đá tại khu vực biên giới với Lào cũng thấp hơn nhiều so với từ Trung Quốc. Nhiều đường dây đã vận chuyển ma túy tổng hợp dạng đá từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, hoặc tiếp tục vận chuyển sang các nước.
Lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Điển hình như vụ bắt giữ 278 kg ma túy tổng hợp ngày 17/2 tại Hà Tĩnh, vụ bắt giữ 600 kg ma túy tổng hợp, 100 bánh heroin và vụ 700 kg ma túy tổng hợp vào các ngày 15 và 17/4 tại Nghệ An.
Đấu tranh ngăn chặn từ xa
Cũng theo Đại tá Nguyễn Địch Nam, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu sửa đổi những vấn đề bất hợp lý gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống ma túy, nhất là Luật Phòng chống ma túy.
Hiện Cục C04 đang tích cực tham mưu nhằm sửa đổi một số điều phù hợp với công tác đấu tranh phòng chống ma túy trong tình hình mới; đề xuất sửa đổi Quyết định 133 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giữa hải quan, biên phòng, công an và cảnh sát biển trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy.
Báo cáo kết quả đấu tranh phòng chống ma túy của các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới Việt-Lào trong thời gian qua, đặc biệt là 2 tháng cao điểm đầu năm 2019, Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Công an Hà Tĩnh đã tuyên truyền cho 30.000 học sinh, sinh viên, giáo viên trên địa bàn, tuần tra khép kín địa bàn, đấu tranh 49 vụ, 83 đối tượng, khởi tố 14 vụ án, 15 bị can.
Thời gian tới, Công an Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là khu vực biên giới; phối hợp với các lực lượng chức năng, công an các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đấu tranh ngăn chặn từ xa, không để ma túy thẩm lậu vào nội địa; quản lý chặt chẽ các đối tượng nghiện, nghi nghiện, cai nghiện tập trung tại cộng đồng.
Tại hội nghị, 4 xã biên giới thuộc huyện Hương Sơn gồm Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị xã Tây Sơn đã ký giao ước thi đua, cam kết địa bàn không ma túy.
Nằm trong chương trình, Cục C04 phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh và các phòng ban của xã Sơn Kim 1 đã trao đổi, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về pháp luật phòng, chống ma túy; in, treo pa nô, áp phích, tờ rơi và phát tờ rơi tuyên truyền về tác hại của ma túy đến từng hộ gia đình trên 9 thôn thuộc xã...; lập hòm thư tố giác tội phạm ma túy trong thôn nhất là các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên quan đến Lào để có kế hoạch đấu tranh triệt phá đạt hiệu quả.
Hoàng Anh