Hải quan thúc đẩy thực hiện cải cách, tạo thuận lợi thương mại 

(Chinhphu.vn) – Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã tích cực triển khai và có những cải cách mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như cho người dân và doanh nghiệp.

 

Xây dựng mô hình hải quan thông minh, nâng cao năng lực quản lý hải quan

Kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan thông minh

 

Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan luôn đẩy mạnh phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần quan trọng vào công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.

 

Đến nay, CNTT đã được ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan hải quan, góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp (DN); 100% các cục hải quan và chi cục hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử; thu nộp ngân sách có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, gần 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

 

Trong những tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai và có những cải cách mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như cho người dân và DN. Trong đó, phải kể đến một số nội dung nổi bật sau đây:

 

Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan số. Theo đó, sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng phục vụ người dân, DN; hướng tới hải quan số dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy người dân, DN làm trung tâm; tạo nền tảng cho cơ quan hải quan cũng như ngành tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại.

 

Kiến trúc này cho phép Tổng cục Hải quan dùng lại các nền tảng của Bộ Tài chính; thể hiện rõ quan điểm chú trọng ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trên cơ sở phân tích chiến lược phát triển cơ quan hải quan hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, mô hình liên thông nghiệp vụ, thông tin và hiện trạng CNTT.

 

Kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan số là cơ sở để xây dựng hệ thống CNTT của cơ quan hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới hải quan số và đáp ứng yêu cầu quản lý DN, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, DN thông qua cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Việc xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành hải quan giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng cao mức độ tự động hóa, góp phần thúc đẩy cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong giai đoạn 2021-2025.

 

Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số. Đây là cơ sở để Tổng cục Hải quan thực hiện thủ tục thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số. Mục tiêu là thuê dịch vụ đồng bộ phần mềm, phần cứng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Hệ thống CNTT mới phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh; quản lý toàn diện DN, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối; sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, DN và các bên liên quan phục vụ quản lý Nhà nước về hải quan.

 

Việc triển khai thành công thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số là một trong những động lực quan trọng đối với xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh.

 

Tăng diện "phủ sóng" dịch vụ công trực tuyến

 
 

Để đa dạng hóa hình thức phục vụ trong bối cảnh mới, hải quan tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của ngành hải quan lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 

Tổng cục Hải quan đã cập nhật, sửa đổi, bổ sung và cung cấp mới dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 22 thủ tục hành chính. Đến hết tháng 11/2021, ngành hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện. Trong đó, có 209 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỉ lệ 88%).

 

Theo kế hoạch năm 2021, ngành hải quan sẽ tiếp tục tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cập nhật 26/26 dịch vụ công trực tuyến trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đang phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính-Văn phòng Chính phủ và Cục Tin học và thống kê tài chính-Bộ Tài chính thực hiện tích hợp kỹ thuật và kiểm thử.

 

Dự kiến trong quý IV/2021 sẽ hoàn tất tích hợp tất cả 26 dịch vụ công trực tuyến này lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2021, tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.

 

Song song với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 

Đến ngày 30/11/2021, cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,5 triệu bộ hồ sơ của hơn 51.000 DN. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức (từ 2014-2021), đến tháng 10/2021, số bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần.

 
 

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang nỗ lực phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm và kết nối chính thức trong năm 2021. Tiếp sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.

Anh Minh
137 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 892
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 892
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87221042