Hải quan quyết liệt cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh 

(Chinhphu.vn) - Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện giải pháp cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh để đảm bảo triển khai có hiệu quả, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra.
Hải quan quyết liệt cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh - Ảnh 1.

Công chức Hải quan Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) tiếp nhận và xử lý thủ tục hải quan cho DN. Ảnh: HN

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 148/QĐ-TCHQ ngày 28/1/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Trong đó tập trung triển khai các giải pháp cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giao dịch thương mại qua biên giới.

Đồng thời, rà soát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đã ban hành có liên quan đến nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cải cách thủ tục Hải quan

Trong công tác xây dựng, soạn thảo và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật hải quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chú trọng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, gắn với việc xây dựng Hải quan số, tiến tới Hải quan thông minh.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng: thu hẹp phạm vi của một số ngành, nghề; đưa ngành, nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả và phù hợp hơn; đưa các ngành, nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng.

Đặc biệt, các đơn vị cần rà soát kiến nghị, đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh nhằm tạo cơ hội kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh; kiểm soát chặt chẽ, không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi xây dựng, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định các quy định không còn phù hợp với thực tế khách quan, không hợp lý, không rõ ràng, các quy định có sự chồng chéo, mâu thuẫn; các quy định khác nhau về cùng một vấn đề, nội dung... và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Thường xuyên đối thoại, trao đổi với người dân, doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách nhằm tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định, đúng thẩm quyền. Tập trung triển khai đồng bộ các dịch vụ công trực tuyến, không chỉ tăng về số lượng thủ tục hành chính kết nối điện tử mà cần đảm bảo tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua phương thức điện tử. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá thường xuyên về hiệu quả thực thi các giao dịch điện tử trong lĩnh vực được phân công quản lý.

Đặc biệt, các đơn vị cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, trong đó bao gồm cả các giải pháp về thúc đẩy chuyển đổi số thực hiện đồng bộ với cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử; minh bạch hoá quy trình, thủ tục hành chính, tiếp cận chính sách hỗ trợ của cơ quan nhà nước.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thường xuyên đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi pháp luật nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các quy định; đảm bảo kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

111 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 592
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 592
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77106439