|
Tổng số DVCTT đạt tối thiểu mức độ 3 trong lĩnh vực Hải quan là 170/180 thủ tục hành chính, chiếm trên 94,4%, trong đó số DVCTT đạt mức độ 4 là 161 thủ tục. |
Theo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), cập nhật từ đầu năm 2018 đến trung tuần tháng 8, toàn Ngành đã tiếp nhận hơn 65.000 hồ sơ, đến nay cơ bản số lượng hồ sơ đã được cơ quan Hải quan xử lý, trả kết quả đúng hạn theo quy định.
Lãnh đạo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan (Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan) cho biết, đến nay tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đạt tối thiểu mức độ 3 trong lĩnh vực Hải quan là 170/180 thủ tục hành chính, chiếm trên 94,4%, trong đó số DVCTT đạt mức độ 4 là 161 thủ tục.
Các thủ tục được doanh nghiệp thực hiện nhiều như khai bổ sung hồ sơ hải quan, hủy tờ khai hải quan, hoàn thuế, phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng tạm nhập, tạm xuất…
Đánh giá về hiệu quả của DVCTT, lãnh đạo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan cho rằng: Trước khi triển khai Hệ thống HQ36a, toàn Ngành còn 90 thủ tục thực hiện theo phương thức thủ công nên chưa có phương án kiểm tra, kiểm soát hiệu quả thời gian tiếp nhận, xử lý thủ tục của các đơn vị hải quan.
Nhưng với Hệ thống HQ36a, Tổng cục Hải quan đã thiết lập cơ chế giám sát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục ở từng khâu, từng bộ phận của từng đơn vị.
Nhờ Hệ thống trực tuyến nên khi phát sinh đơn vị nào chậm trong xử lý, trả kết quả cho doanh nghiệp, bộ phận giám sát ở Tổng cục Hải quan sẽ kịp thời cảnh báo, đề nghị các đơn vị thực hiện đúng thời gian theo quy định.
Chính vì vậy, thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan Hải quan…
Mặt khác, trước đây khi thực hiện thủ tục theo phương thức thủ công, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc phải liên hệ với trực tiếp từng đơn vị. Nhưng với DVCTT, doanh nghiệp chỉ cần liên hệ đến một đầu mối duy nhất ở các Cục, trường hợp nào vượt thẩm quyền sẽ liên hệ bộ phận hỗ trợ ở Tổng cục Hải quan để phản ánh và nhận được tư vấn.
Theo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan, hiện nay việc thực hiện DVCTT đã cơ bản đi vào nề nếp cả ở phía cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, góp phần thay đổi tư duy, thói quen thực hiện thủ tục theo phương thức thủ công trước đây.
Điều này giúp doanh nghiệp và công chức hải quan làm quen và sử dụng thành thạo các thao tác trong giao dịch điện tử, tiến tới thực hiện phủ sóng DVCTT đối với toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Hải quan. Từng bước cụ thể hóa mục tiêu của ngành Hải quan là tiến tới môi trường thủ tục phi giấy tờ theo chủ trương thực hiện Chính phủ điện tử.
Đến nay, cơ bản các đơn vị hải quan địa phương đã vận hành Hệ thống HQ36a hiệu quả.
Trong đó, Cục Hải quan Hải Phòng là đơn vị có số lượng thủ tục thực hiện DVCTT nhiều nhất cả nước với gần 17.000 hồ sơ, chiếm gần 26% tổng lượng hồ sơ thực hiện của toàn Ngành.
Một số đơn vị khác, như Hải quan Khánh Hòa, An Giang… tỷ lệ hồ sơ thực hiện trên hệ thống đạt 100%.
Tuy nhiên, còn một số đơn vị lớn, có lượng tờ khai điện tử và hồ sơ điện tử lớn nhưng kết quả thực hiện chưa tương xứng. Đơn cử như Cục Hải quan TP.HCM, đến đầu tháng 8 mới có hơn 2.000 hồ sơ. Trong khi đó, theo số liệu do Cục Hải quan TP.HCM tự cập nhật, trong quý I và II vừa qua, tại Cục vẫn có tới 4.108 hồ sơ xử lý thủ công, trong khi số lượng hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống HQ36a đạt 1.570 hồ sơ.
Hay các trường hợp như Cục Hải quan Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Tây Ninh… Hết quý II, Cục Hải quan Tây Ninh chỉ có 1.004 hồ sơ thực hiện trên Hệ thống, trong khi hồ sơ giấy là 1.486; các con số này của Cục Hải quan Hà Nam Ninh lần lượt là 1.477 và 703; Cục Hải quan Bắc Ninh là 2.484 hồ sơ và 402 hồ sơ…