Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ vừa có Thông báo kết quả kiểm tra công tác CCHC tại thành phố Hải Phòng. Theo báo cáo và qua kiểm tra thực tế, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đã có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát đối với công tác CCHC nói chung, cải cách, kiểm soát TTHC nói riêng, trong đó đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành về CCHC, cải cách TTHC.
UBND thành phố đã quan tâm triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC. Đặc biệt, UBND thành phố đã thành lập Phòng Kiểm tra, Giám sát và Thi đua khen thưởng đặt tại Văn phòng UBND thành phố để theo dõi, tổng hợp, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao các Sở, ngành, địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết định quy định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, ban, ngành thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố; nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ chế một cửa tiếp tục được UBND thành phố duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch. Hầu hết các Sở, ban, ngành, huyện, xã và các cơ quan ngành dọc của trung ương trên địa bàn thành phố có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ). Bên cạnh đó, một số mô hình sáng tạo mới đang được triển khai có hiệu quả, như mô hình “một cửa thân thiện”; “một cửa điện tử liên thông”; điển hình là mô hình “một cửa về đầu tư cấp thành phố” - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hải Phòng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện tương đối đa dạng; tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC. Thành phố Hải Phòng hiện nay có 622 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (534 dịch vụ công mức độ 3, 88 dịch vụ công mức độ 4) và tiếp tục đăng ký triển khai 134 dịch vụ công mức độ 3 trong năm 2017. Đến nay, Hải Phòng đã công bố 871 TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.
UBND thành phố Hải Phòng cũng đã triển khai và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 07 phản ánh, kiến nghị về cơ chế chính sách thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân.
Công tác CCHC của thành phố Hải Phòng năm 2016 có tiến bộ so với những năm trước. Cụ thể: Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) 4 năm liên tiếp đứng thức 2 trên tổng số 63 tỉnh thành; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 21/63, tăng 7 bậc so với năm 2015; Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 37/63, tăng 12 bậc so với năm 2015.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố Hải Phòng tiếp tục được Chính phủ đánh giá là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với những kết quả toàn diện mang tính đột phá: Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2016 tăng 11,46% so với cùng kỳ năm trước và gấp 1,7 lần bình quân chung của cả nước; thu ngân sách năm 2016 đạt 62.640,2 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ; thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực nội địa đạt 10.128 tỷ đồng, cao hơn mức thu ngân sách cả nước năm 2014. Thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư Việt Nam. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 đạt 56.125,5 tỷ đồng, tăng 14,91% so với kỳ. Việc thu hút đầu tư nước ngoài có kết quả tích cực với tổng số vốn đạt 617 triệu USD.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC tại thành phố Hải Phòng còn hạn chế như: việc công bố TTHC chưa đảm bảo yêu cầu về kiểm soát TTHC, chưa được chuẩn hóa theo quyết định công bố của Bộ. Việc công khai, cập nhật TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC còn chậm, nhiều TTHC đã hết hiệu lực nhưng vẫn còn đang được công khai ở tình trạng còn hiệu lực, một số TTHC đã được công bố mới nhưng chưa được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Thành phố chưa có cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ nên khó khăn cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện quy trình thủ tục hành chính liên thông, nên tỷ lệ thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa liên thông thấp (3,83 % tính chung toàn thành phố). Hạ tầng kỹ thuật, phần mềm một cửa điện tử của các cơ quan, đơn vị không thống nhất và không có sự kết nối.
Việc triển khai chính quyền điện tử trên toàn thành phố chưa đồng bộ, người dân và doanh nghiệp chưa được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cách thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Để công tác CCHC tại thành phố Hải Phòng được triển khai hiệu quả, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành phố Hải Phòng cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện công các CCHC; tiếp tục đẩy mạnh triển khai CCHC một cách quyết liệt, toàn diện, sâu sát hơn nữa, trong đó tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố; tổ chức tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác CCHC; tăng cường khả năng giám sát của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính các cấp thông qua việc triển khai Hệ thống thông tin về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC...
Phương Nhi