Hải Lăng: tích cực đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở  

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được ngành văn hóa thực hiện trong nhiều năm trở lại đây. Đảng ta đã xác định việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là bước đi ban đầu, là nền tảng để xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa.

Xác định được tầm quan trọng nên trong những năm qua, huyện Hải Lăng đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo mọi điều kiện để người dân được hưởng những điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Hải Lăng đã đạt được những kết quả nhất định, có ý nghĩa sâu sắc đối với việc phát triển đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư; các phong trào, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng từ huyện đến cơ sở, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của văn hoá trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của mỗi người dân và cộng đồng được củng cố, thắt chặt. Các giá trị truyền thống của mỗi gia đình, làng, xóm, dòng tộc, cộng đồng dân cư được khơi dậy và tác động tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá. Các quy ước, hương ước được thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 96/98 làng, thôn, khóm (chiếm 97,9%) và 134/138 cơ quan, đơn vị (chiếm 97%) đạt danh hiệu đơn vị văn hoá; 20.927/23.227 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 90%). Lồng ghép cùng chương trình xây dựng NTM, hiện có 4 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã đạt 15 tiêu chí; 1 xã đạt 14 tiêu chí; 4 xã đạt 13 tiêu chí; 3 xã đạt 12 tiêu chí; 01 xã đạt 11 tiêu chí; 3 xã đạt 10 tiêu chí; 2 xã đạt 9 tiêu chí. Nhờ bám sát các tiêu chuẩn do Bộ VH,TT&DL quy định, đồng thời dựa vào quy ước của cộng đồng dân cư, việc đăng kí xây dựng và xây dựng các hộ, các xã, phường, đơn vị văn hóa đang tạo ra sự đổi thay lớn lao trong đời sống vật chất và đặc biệt là tinh thần ở cơ sở, trong các cộng đồng dân cư.

                                                          

                                                                     Đua  thuyền truyền thống ở huyện Hải Lăng

Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27- CT/TW của BCH Trung ư­ơng được quan tâm đẩy mạnh; các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và tạo được sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. UBND huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm đưa việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện dần dần đi vào nề nếp. Xác định rõ đây là một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chỉ thị, huyện Hải Lăng đã đưa các nội dung vào trong Đề án xây dựng huyện điển hình văn hóa để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Quán triệt tinh thần đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã trở thành một cuộc vận động lớn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đã trở thành quy định chung mà mọi gia đình, mọi dòng tộc nghiêm túc điều chỉnh thực hiện. Đến nay, việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn đã đạt được những kết quả quan trọng như: đã đơn giản hoá về thủ tục và tổ chức, quy mô vừa phải, tiết kiệm thời gian, nội dung gọn nhẹ; đã xoá được tệ tảo hôn; nhiều địa phưong đã bỏ được tục thách cưới, thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ như: “Câu lạc bộ cưới tiết kiệm ”, “Câu lạc bộ tiền hôn nhân ”, “Câu lạc bộ gia đình trẻ ", “Thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới". Việc tổ chức ăn uống trong đám cưới ở khu vực xã, thị trấn được điều chỉnh bằng quy chế, quy ước làng, khu dân cư và thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội nên có nhiều chuyển biến theo hướng đơn giản, tiết kiệm như: thu hẹp trong nội tộc, bạn bè thân thích; không che rạp cản trở giao thông; trang phục cô dâu, chú rể theo nghi lễ truyền thống dân tộc... Trong việc tang, cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về việc tang theo nếp sống văn minh, gọn nhẹ, có ý nghĩa giáo dục; đã dần dần loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan; tổ chức đám tang gọn nhẹ, không phô trương, không tổ chức ăn uống đông người lãng phí, tốn kém; đề cao tinh thần tương thân, tương ái; vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là Ban điều hành các đơn vị văn hoá đã và thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của làng, thôn, khóm. Nhiều nội dung, hình thức mới, tiến bộ được hình thành như: đại đa số các đám tang đã bỏ được các tập tục lạc hậu như rải tiền vàng, gọi hồn; việc làm cỗ linh đình, mời ăn đã hạn chế. Các địa phương trong huyện đã tập trung quy hoạch nghĩa trang theo quy hoạch Nông thôn mới. Nhiều xã, thị trấn đã quy hoạch được nghĩa trang nhân dân xa khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong lễ hội, nhiều lễ hội truyền thống và văn hóa dân gian đã được khôi phục, duy trì và phát huy như: Hò Bả trạo làng Phú Hải, xã Hải Ba; Hội chọi gà làng Diên Sanh, xã Hải Thọ, Hội rước lộc đầu xuân, làng cổ Lũy, xã Hải Ba; Hội bưng đá làng Hưng Nhơn, xã Hải Hòa, Hội cờ chòi ở làng Long Hưng, xã Hải Phú và Đại an Khê, xã Hải Thượng; Hội vật, làng Trung An, xã Hải Khê; Hội Cù, làng Kim Long, xã Hải Quế...Việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực: tổ chức Lễ hội văn hóa huyện vào ngày 19/3 hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng phong phú.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và phát huy giá trị hệ thống thiết chế cơ sở cũng được tăng cường. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ huyện đến cơ sở được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn huyện có 16 nhà văn hóa xã, thị trấn, 94 nhà văn hóa thôn, khóm (67 nhà đạt chuẩn); 86 cổng chào làng; 108 cổng chào xóm; 98 cụm tuyên truyền cổ động; 682 panô, áp phích tuyên truyền; 17/20 xã có bưu điện văn hoá, 04 xã có thư viện, trong đó 02 xã có thư viện điện tử (Hải Thượng và Hải Vĩnh), 20 xã, thị trấn có tủ sách pháp luật và sách, báo các loại; có 12 đội nhạc cổ truyền của các làng văn hóa, 15 trạm truyền thanh xã, thị trấn, 54 trạm truyền thanh HTX; 19/19 xã có khu thể thao (đạt chuẩn 07); 100% trường phổ thông có thư viện chuẩn, 50 sân bóng đá, 103 sân bóng chuyền, 45 sân cầu lông, 68 CLB thể thao, 81 CLB văn nghệ. Hầu hết các cơ quan và 100% các trường đã xây dựng được các thiết chế văn hóa như: Sân thể thao, thư viện, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi. Nhà Bảo tàng huyện trưng bày 302 hiện vật, hàng năm đón khoảng 1500 lượt người tham quan. Các di tích văn hoá - lịch sử cách mạng, nhà bia; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các nghĩa trang liệt sĩ thường xuyên được trùng tu, tôn tạo, tu sửa, nâng cấp.

Với những kết quả trên cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hoá cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Hải Lăng đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Các hoạt động văn hoá cơ sở đã thực sự có chuyển biến tích cực làm cho văn hoá thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, về sự phát triển nhân cách con người, về nét đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, ổn định, tạo đà cho sự gia tăng phát triển kinh tế ở Hải Lăng. Diệu Linh

3408 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 760
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 760
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77106657