Hải Lăng tăng cường công tác dân vận, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện 

Là huyện nằm trong vùng lõi Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh đang được triển khai thực hiện. Hải Lăng xác định công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, cùng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, rất cần sự thống nhất, đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện.
Hải Lăng tăng cường công tác dân vận, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện

Sau khi có Quyết định số 659-QĐ/TU, ngày 20/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, Ban Thường vụ huyện ủy Hải Lăng đã xây dựng kế hoạch để triển khai, đồng thời ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng và giải quyết địa giới hành chính và chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Hải Lăng. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp theo thẩm quyền căn cứ các quy định và tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị để chủ động triển khai thực hiện, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả cao nhất.

Để triển khai thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và Ban tuyên truyền, vận động công tác giải phóng mặt bằng; thành lập các Tổ kiểm tra, rà soát những vướng mắc, phát sinh về đất đai và tài sản liên quan đến các vùng triển khai dự án. Qua đó, để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, lắng nghe kiến nghị của người dân để phối hợp với chính quyền địa phương, đề xuất hướng giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Việc tổ chức công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện theo phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, “Đối tượng nào, phương pháp ấy”, “Mưa dầm thấm sâu”… tranh thủ, tham khảo thêm ý kiến người cao tuổi, có uy tín, các lực lượng nòng cốt ở địa phương; đồng thời, vận động, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên làm trước để nêu gương; phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc “Dễ làm trước, khó làm sau”… Ngoài tuyên truyền, vận đồng rộng rãi trong quân chúng nhân dân, Hải Lăng còn đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó, đã chú trọng việc phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong vùng thực hiện dự án các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, từ đó, tuyên truyền rộng ra đối với những hộ gia đình bị ảnh hưởng, nhất là những hộ chưa đồng thuận thì kiên trì giải thích, nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng cụ thể để có giải pháp có hiệu quả hơn. Song song với công tác tuyên truyền, huyện đã công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình thực hiện các bước trong công tác giải phóng mặt bằng. Tổ chức họp dân để công khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quy hoạch đã được phê duyệt, cắm mốc; trên cơ sở đó, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Trong quá trình kiểm kê đất đai, tài sản bị ảnh hưởng trong phạm vi các dự án, luôn đảm bảo các thành phần từ chính quyền địa phương, mặt trận tổ chức xã, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội xã, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn cùng chứng kiến, giám sát quá trình kiểm kê; công khai việc áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Thông qua hoạt động này, lãnh đạo huyện trực tiếp đối thoại với người dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh các vụ việc trở thành “điểm nóng”, gây phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo xử lý kịp thời nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; hướng dẫn, trả lời công dân, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị giải quyết các vụ việc đảm bảo các chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Từ những cách làm này đã tạo được sự thống nhất cao trong công tác giải phóng mặt bằng; từng hộ dân hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách liên quan đến công tác thu hồi, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư… Nên hầu hết đều chấp hành khá tốt việc di dời, nhận tiền đền bù giao đất, tạo điều kiện cho các công trình, dự án thực hiện đúng tiến độ, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Từ năm 2015 - 2020, Hải Lăng đã thực hiện giải phóng mặt bằng cho 106 công trình, dự án, trong đó có một số dự án trọng điểm như Khu tái định cư Hải Khê, Hải An; đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường dây 500KV Quảng Trạch - Dốc sỏi; dự án đường nối Khu công nghiệp Đông Nam Quảng Trị đến cảng Cửa Việt…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Một số công trình, dự án tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài thời gian thực hiện, chủ yếu là do còn vướng mắc trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế; bên cạnh đó, việc sắp xếp, xử lý tài sản công để giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số nhà đầu tư chậm phối hợp để tiến hành hợp đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hoặc gia hạn hợp đồng và bố trí kinh phí để thực hiện; một số dự án không tiến hành thi công xây dựng sau khi dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nên đã gây dự luận không tốt trong Nhân dân; việc người dân tiếp tục tái sản xuất trên đất đã thu hồi dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai của địa phương. Quá trình triển khai đo đạc, quy chủ thu hồi đất có một số trường hợp chưa đúng đối tượng sử dụng, loại đất, diện tích thu hồi nên mất thời gian để kiểm tra, rà soát và điều chỉnh, bổ sung, làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như dẫn đến việc khiếu nại, kiến nghị của người dân. Việc quản lý đất đai của chính quyền địa phương có nơi còn chưa chặt chẽ; có một số nơi chưa thực sự tích cực phối hợp với đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng trong công tác tuyên truyền, vận động. Một số người dân thiếu sự đồng thuận, không phối hợp hoặc có thái độ không hợp tác, gây khó khăn. Hầu hết các hộ dân kiến nghị khi thu hồi đất nông nghiệp để quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất thì đề nghị Nhà nước cấp lại 01 lô đất ở không nộp tiền hoặc nộp tiền theo giá Nhà nước quy định trong khu quy hoạch hay tại vị trí thửa đất bị thu hồi của hộ gia đình. Tuy nhiên, việc này Nhà nước chưa có chính sách pháp luật quy định nên còn gặp vướng mắc trong thực hiện, gây khó khăn trong công tác thu hồi đất, tuyên truyền, vận động người dân thống nhất phương án giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân không đồng tình với đơn giá bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, nhà cửa, mồ mả… vì có sự chênh lệch nhiều so với giá thị trường.

Từ thực tiễn triển khai, huyện Hải Lăng đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với tỉnh và các sở, ngành liên quan để giúp huyện thực hiện tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới. Trong đó, đối với những công trình, dự án đã bàn giao mặt bằng, đề nghị tỉnh chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện thi công theo cam kết và chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, để tránh tình trạng người dân tái lấn chiếm, sử dụng đất. Đối với các công trình, dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, sớm thẩm định, phê duyệt hồ sơ sau khi chủ dự án trình thẩm định để rút ngắn thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đối với công trình, dự án liên quan đến tài sản công, sớm có chủ trương, văn bản hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản công đảm bảo đúng quy định pháp luật. Sớm ban hành chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ sát với giá thị trường. Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chính sách pháp luật hiện hành khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất thì bố trí quỹ đất trong khu quy hoạch để cấp đất ở có thu tiền đối với những hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp có kiến nghị Nhà nước cấp đất ở.

Đối với chính quyền địa phương, tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch đất đai trên địa bàn, phối hợp tốt với các đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, thống nhất chủ trương, chính sách Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp với đơn vị tư vấn đo đạc, quy chủ sử dụng đất để kiểm tra, rà soát chủ sử dụng đất, loại đất, diện tích thu hồi trong phạm vi thực hiện dự án nhằm đảm bảo chính xác, hợp pháp của hồ sơ thu hồi đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

644 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 722
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 722
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76775266