Theo ý kiến của người dân làng Văn Vận, làng Ba Khê phải tháo dỡ những công trình xây dựng để chiếm đất, còn những ngôi mộ đã xây dựng từ trước, nên tìm cách đưa về làng Ba Khê để thuận lợi trong việc thờ cúng.
Sau khi xảy ra việc lấn chiếm đất gần 60.000m đất dùng để xây dựng các âm hồn tại làng Văn Vận, làng Ba Khê đã có ý kiến rằng sẽ đổi đất cho làng Văn Vận. Chưa đề cập đến những ngôi mộ có chôn cất từ trước, tại sao người dân làng Ba Khê lại không tiến hành dùng những khu đất muốn đổi cho làng Văn Vận để làm nơi tập trung chôn cất mồ mả, xây dựng âm hồn cho người dân trong làng mà lại “chê”, để rồi vào khu đất lâm nghiệp gần 60.000m2 của làng Văn Vận, xã Hải Quy để xây dựng lên các khu âm hồn trái phép?.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu rừng trồng tràm của xã Hải Quy có đến 6 âm hồn, mộ giả đã được người dân làng Ba Khê dựng lên để chiếm đất. Khi bày tỏ thắc mắc với chính quyền xã, nơi trực tiếp quản lý đất đai “Vì sao khi phát hiện thì những trường hợp xây dựng trái phép đã cơ bản hoàn chỉnh?” Ông Lê Văn Lạt – Phó chủ tịch UBND xã Hải Quy - cho hay: “ Vì khu vực người làng Ba Khê xây âm hồn nằm sâu trong khu đất lâm nghiệp trồng tràm, khi tiến hành thu hoạch tràm thì mới biết”.
Bên cạnh đó, ông Lạt cũng không quên tỏ ý “trách móc” dân trong xã mình: “dân đi giữ trâu giữ bò biết không về báo để xã giải quyết, nếu thời điểm đó dân làng phản ứng thì đã giải quyết xong rồi, để đến khi các âm hồn xây dựng xong đã lâu thì mới khiếu kiện.”
Qua đó, ông Phó chủ tịch UBND xã Hải Quy cũng cho biết là đã đề xuất lên huyện là nên sớm giải quyết, yêu cầu người dân làng Ba Khê nên thu hẹp diện tích xây dựng các âm hồn lại. Nếu âm hồn nào mới xây dựng lại thì nên quy tập, thu gọn hoặc tháo dỡ.
PV cũng đưa vấn đề này lên UBND huyện Hải Lăng, ông Nguyễn Quang Hải – Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Huyện đang tập trung xử lý, đến ngày 14/6 tới đây sẽ có quyết định xử lý chính thức. Nếu dân vẫn liên tục không đồng tình thì vụ việc sẽ đưa ra giải quyết tại tòa”.
Khi phóng viên bày tỏ thắc mắc những phát ngôn của ông chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Vinh trong ngày 27/9/2017 như “sẽ cho rà soát, nếu phát hiện con cháu của ông bà nào đang công tác tại các cơ quan nhà nước thuộc người làng Văn Vận có mặt trong việc tham gia kích động tháo dỡ các âm hồn thì sẽ kêu gọi các thủ trưởng cơ quan cho quyết định nghỉ việc, không cho làm” là đã đúng hay chưa thì ông Hải cho rằng, do dân và phóng viên không nghe kỹ lời của ông chủ tịch. Đại ý lời của ông chủ tịch trong phát ngôn này là sẽ cho con em của người dân làng Văn Vận làm trong các cơ quan nhà nước được tạm nghỉ việc để về tuyên truyền vận động dân làng không kích động phá dỡ các âm hồn? Liệu câu trả lời này có quá khiên cưỡng?
Quay trở lại vụ việc người dân làng Ba Khê xây dựng các âm hồn. Để giữ đất làm mộ, người dân đã dùng bờ lô để tự phân lô cho mình nhằm “xí” nơi chôn cất sau này. Ghi nhận của phóng viên tại khu vực nghĩa trang tự phát cho thấy, có đến 6 âm hồn đã được người dân dùng gạch xây dựng kiên cố bờ bao, bên trong đó chỉ là khu đất trống, đầu mỗi âm hồn được dựng bia ghi “âm hồn làng Ba Khê” hoặc âm hồn của một số chi họ trong làng Ba Khê.
Một vài hộ dân lâu đời trong làng Văn Vận cho biết, những tấm bia được dựng lên để khẳng định phía dưới “ngôi mộ” đang có người chứ không phải là mộ gió, điều này đã làm cho chính quyền lấy yếu tố âm linh nên chậm giải quyết.
Thời gian qua,dư luận tại làng Văn Vận, xã Hải Quy cho rằng việc xây dựng lăng mộ, âm hồn bằng việc lấn chiếm đất diễn ra tại khu đất lâm nghiệp trồng tràm của xã, phải chăng có tình trạng mua bán đất trái phép? Hiện tại, số diện tích đất bị lấn chiếm để xây dựng âm hồn tại làng Văn Vận đã lên đến hơn 60.000m2, chưa kể gần thêm 20.000m2 đất người làng Ba Khê cho đổ đất để làm đường vào khu âm hồn. Người dân làng Văn Vận cho biết, nếu ngày xưa tổ tiên làng Văn Vận có cho đất thì giấy tờ cho đất có không? Và theo các tên ghi trên mộ bia, đối chiếu với những phả hệ để lại thì những tên người chết không có trong phả hệ. Những mộ bia có chữ Hán đều được làng Văn Vận dịch thì nhữngngười có tên này không còn nằm trong những dòng họ thuộc làng Ba Khê nữa.
Còn với UBND xã Hải Quy thì việc người dân làng Ba Khê qua làng Văn Vận xây mồ mả đã được tổ tiên làng cho phép, tuy nhiên đó chỉ là “truyền miệng, truyền thuyết”. Việc người dân làng Ba Khê xây dựng thêm các âm hồn thì mới xâm chiếm, còn với những ngôi mồ mả cũ là đã được phép của các trưởng làng Văn Vận ngày xưa.
Qua các buổi đối thoại, các trưởng làng Ba Khê cũng thừa nhận việc xây dựng các âm hồn trên đất làng Văn Vận là sai. Vậy với ý kiến của dân làng Văn Vận rằng nếu đã sai thì trước mắt làng Ba Khê nên tiến hành tháo dỡ những âm hồn đã xây để “xí” phần đất. Còn với những ngôi mộ đã xây từ lâu, có chôn cất người chết thì nên quy hoạch đưa về chôn cất, lễ cúng ngay tại làng Ba Khê thì sẽ phù hợp hơn. Như vậy là đã thấu tình đạt lý, phù hợp với tình hình thực tế. Các yếu tố luật hay tâm linh cũng được giải quyết ổn thỏa.
Qua các buổi đối thoại, người dân làng Văn Vận bày tỏ bức xúc, mong chính quyền nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc, bởi từ khi gửi đơn đến nay, dân làng chỉ mong lấy lại được đất để làng xã và hợp tác xã Văn Hải quản lý. Có như vậy, người dân trong làng mới có thể yên tâm làm ăn, phát triển nông thôn mới như chính sách nhà nước đã đề ra, đưa đời sống kinh tế trong làng xã đi lên. Còn như hiện tại, mong muốn duy nhất của làng là giữ được phần đất cho làng cho xã, không bị bất cứ ai xâm chiếm hay mua bán trái phép.
Nhóm PVPL