Hải Lăng: Hành trình 50 năm vươn mình mạnh mẽ 

(ĐCSVN) - Trải qua những tháng năm gian khó, từ một huyện nghèo với xuất phát điểm thấp, Hải Lăng - mảnh đất anh hùng của tỉnh Quảng Trị, đã từng bước chuyển mình, để hôm nay viết nên câu chuyện của sự đổi thay đầy tự hào.

Những bước chuyển mình

Sau chiến tranh, Hải Lăng chỉ là một huyện nghèo, điều kiện xuất phát điểm vô cùng thấp. Đây là vùng đất độc canh cây lúa với hơn 2/3 diện tích ở vùng úng trũng, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trung tâm huyện lỵ chỉ là một vùng cát trắng hoang sơ. Trụ sở làm việc, trường học, cơ sở y tế đều tạm bợ, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Giờ đây, Hải Lăng đã đạt được những thành tựu khiến bao người cảm phục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cho đến hết tháng 10/2024 đạt 11,4%. Từ mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 570 nghìn đồng năm 1990, đến nay, con số này đã vươn lên 73 triệu đồng – tăng gần 130 lần. Năng suất lúa hai vụ cũng tăng gấp 3, từ 46 tạ/ha lên hơn 130 tạ/ha. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2020 – 2024 đạt 4.600 tỷ đồng, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của huyện.  

 Không chỉ vươn mình trong phát triển kinh tế, Hải Lăng còn chú trọng đến chất lượng sống của người dân. 

Không chỉ vươn mình trong phát triển kinh tế, Hải Lăng còn chú trọng đến chất lượng sống của người dân. Tất cả 15 xã đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nâng cao. Công tác giáo dục luôn giữ vững vị trí dẫn đầu toàn tỉnh, an sinh xã hội được đảm bảo với tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,74%. 

Đặc biệt, những dự án trọng điểm như Khu bến cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp Quảng Trị, hay tuyến đường ven biển đang dần định hình Hải Lăng là một trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực. Mục tiêu đến năm 2030, huyện sẽ trở thành điểm sáng phát triển công nghiệp và phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2040. 

Trải qua gần 50 năm kể từ ngày giải phóng (1975) và gần 35 năm lập lại huyện (1990 – 2025), Hải Lăng – mảnh đất kiên cường của Quảng Trị, đã chứng minh ý chí và khát vọng vươn lên của một vùng quê anh hùng. Những thành tựu đạt được hôm nay là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân Hải Lăng.

Khát vọng tương lai

Đồng chí Nguyễn Khánh Vũ, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, khẳng định huyện không chỉ đặt khát vọng phát triển kinh tế mà còn kiên định xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và nâng cao đời sống người dân.

 Hải Lăng nằm trong vùng lõi quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 – 2024 đạt 4.600 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Từ một huyện “trắng” về công nghiệp, đến nay, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã chiếm hơn 77% cơ cấu giá trị sản xuất.

Hải Lăng cũng nằm trong vùng lõi quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam. Trong đó, Khu bến cảng Mỹ Thủy (giai đoạn 1) đã khởi công vào tháng 3/2024; Khu công nghiệp Quảng Trị, bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2023. Trung tâm điện khí LNG, Tuyến đường 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển Mỹ Thủy. Các dự án quy hoạch đô thị ven biển tại Hải An, Hải Khê. Những dự án này không chỉ thúc đẩy kinh tế huyện mà còn giúp Hải Lăng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hải Lăng đặt con người làm trung tâm của sự phát triển. Đến nay, 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nâng cao, thị trấn Diên Sanh đạt chuẩn đô thị văn minh. Công tác xóa nhà tạm đang được huyện đẩy mạnh, từ năm 2021 đến nay, đã huy động kinh phí được gần 11 tỷ đồng và triển khai xóa nhà tạm được 182 nhà.

 Năng suất lúa hai vụ của huyện Hải Lăng tăng lên hơn 130 tạ/ha. 

Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế đều khởi sắc. Giáo dục tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng học sinh giỏi. Hàng năm, huyện tạo việc làm cho 1.200 lao động và xuất khẩu hơn 200 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 3,74%, cận nghèo còn 4,82%, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Theo Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, mục tiêu của huyện là đến năm 2030, trở thành huyện trọng điểm công nghiệp của Quảng Trị, tiến tới trở thành thị xã vào năm 2040. Trong lộ trình này, huyện tập trung quy hoạch và xây dựng các đô thị tại Hải Chánh, La Vang và Diên Sanh, từng bước phát triển đô thị biển tại Khu kinh tế Đông Nam.

Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phát huy tinh thần đoàn kết. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Từ vùng đất hoang sơ, huyện Hải Lăng đã vươn mình trở thành điểm sáng kinh tế và văn hóa. Mỗi thành quả đạt được đều là minh chứng cho ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây. Hải Lăng hôm nay không chỉ là niềm tự hào của Quảng Trị mà còn là biểu tượng của khát vọng đổi mới và phát triển./.

 
Bài, ảnh: Hoàng Oanh
6 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 677
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 678
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87033777