HẢI LĂNG 46 NĂM –HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN 

Đúng 18 giờ 30 phút, ngày 19/3/1975, Hải Lăng là huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện lịch sử này, đã mở ra thời kỳ mới trong chương vàng lịch sử hơn 500 năm tạo dựng và phát triển của một vùng đất ở phía Nam của tỉnh.

Hải Lăng vào buổi bình minh của lịch sử, dải đất này là một phần đất của Bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Vào thời nhà Lê năm 1469, vua Thánh Tông đặt dải đất của Châu Thuận và Châu Hoá thành 2 phủ là: Phủ Tân Bình và phủ Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hoá. Phủ Triệu Phong gồm có 6 huyện là: Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vang, Điện Bàn và An Nhơn; sau đó huyện An Nhơn được đổi thành Hải Lăng. Từ đây tên gọi Hải Lăng ra đời.

   Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hoá. huyện Hải Lăng vẫn giữ nguyên tên gọi. Năm 1801, Nguyễn Ánh lấy phủ Triệu Phong lập ra dinh Quảng Trị gồm có 3 huyện: Đăng Xương, Hải Lăng và Minh Linh. Vào thời Gia Long cho đến năm 1827, vua Minh Mạng nối ngôi, dinh lỵ Quảng Trị đóng tại làng Thạch Hãn (Hải Trí-Hải Lăng). Năm 1852, Tự Đức đổi huyện Hải Lăng thành phủ Hải Lăng, gồm có các tổng là: An Thái, An Thơ, Văn Vận, Cu Hoan và An Nhơn. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phủ Hải Lăng đổi thành huyện Hải Lăng. Thời Mỹ - Diệm chiếm đóng, huyện Hải Lăng đổi thành quận Hải Lăng. Năm 1975, quê hương giải phóng, quận Hải lăng đổi thành huyện Hải Lăng. Đầu năm 1977. huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong hợp nhất lại thành huyện Triệu Hải thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 7-1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Ngày 01/5/1990, huyện Hải Lăng được chia tách ra từ huyện Triệu Hải và trở lại tên gọi ban đầu.

Hải Lăng là quê huơng của các danh nhân lịch sử, văn hoá: Đặng Dung, Tiến sĩ. Hải Lăng cũng là mảnh đất gắn liền với nhiều di tích lịch sử và văn hoá như: đình làng Câu Nhi (Hải Tân), điểm vụ thảm sát Mỹ Thuỷ;  Di tích Chàm (ở hai xã Hải Xuân và Hải Ba); miếu Ngô Văn Sở (Hải Vĩnh, nay là Hải Hưng). Phú Long (Hải Phú) là nơi diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị vào tháng 6-1937 .  Ngã ba Long Hưng mãi là dấu ấn chiến công lịch sử  của một đại  đội quân giải phóng chiến đấu ngoan cường đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của Mỹ - Nguỵ  trong hơn 81 ngày đêm chúng tái chiếm Hải Lăng và Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Hải Lăng còn là mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị văn hoá như: Hò Như Lệ, (Hải Lệ), nhạc cổ truyền Phú Hải (Hải Ba). Bánh ướt làng Phương Lang, rượu gạo Kim Long được mệnh danh “mỹ tửu”, nước mắm Mỹ Thuỷ (Hải Ba), canh ám làng Lam Thuỷ (Hải Hưng), cháo bột Diên Sanh (Hải Thọ)... là dấu ấn ẩm thực khó quên của một vùng quê vốn sinh ra bài thơ “Than thân da diết” mà người đời chắc không bao giờ quên nĩ non lời dặn “ chớ than vận khó ai ơi , còn da lông mọc còn chồi nãy cây”.

Nếu ghép vào đời người, có một nhận định: " tuổi 20 là một nửa thành phẩm, tuổi 30 là thành phẩm và tuổi 40 là sản phẩm tinh hoa". Hải Lăng đến mùa xuân này, đã vào tuổi 46 được coi là sản phẩm tinh hoa.

 Bốn mươi sáu năm qua từ mảnh đất hoang tàn cát trắng đến nay nền nền kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng [1]; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt 58,7 triệu đồng.[2] Diện mạo nông thôn của huyện có nhiều đổi thay. Hải Lăng là một trong những địa phương có nhiều dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới với các phong trào như “Ngày nông thôn mới”, “Thắp sáng đường quê”, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp…đã tạo được sự lan tỏa và huy động nhiều nguồn lực xã hội; đến nay đã có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây là tiền đề vững chắc để huyện sớm đạt huyện nông thôn mới trong thời gian tới. Quy mô sản xuất công nghiệp tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,5%/năm (2020). Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang có bước khởi động tích cực; Khu đô thị - công nghiệp VSIP được nhận diện quy hoạch để đầu tư. Nhiều dự án có quy mô lớn đã được khởi công và đang triển khai thực hiện. Thương mại - dịch vụ có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng được tăng cường. Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên. Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng đã đổi mới hoạt động, tích cực xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để Đảng bộ huyện Hải Lăng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra.

Với truyền thống đoàn kết, anh hùng cách mạng, với niềm tin, khát vọng phát triển, từ những thành tựu đạt được trong 46 năm qua, tin rằng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Hải Lăng sẽ xốc lại hành trang khai thác tiềm năng lợi thế, vượt qua khó khăn thách thức đưa Hải Lăng vững bước phát triển để sớm “trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Trị phát triển giàu mạnh”[3]. Trí Ánh

                                                            

    [1] 12,5%, (2020)

                [2] tính dến đầu năm 2020

     [3]  Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rại Đại hội Đảng bộ huyện Hải Lăng, nhiệm kỳ 2020-2025

1839 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 937
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 937
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87040473