|
Cảng cá Mỹ Tho (Tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã bày tỏ sự lo lắng với hệ thống hạ tầng cho nghề cá hiện nay
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) có đặt câu hỏi về việc cần tăng cường hơn các thiết chế hạ tầng của nghề cá để đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Khai thác hải sản của chúng ta với công suất 1 năm khoảng 3,5 triệu tấn và chúng ta có khoảng 99.000 tàu các loại, trong đó có 31.500 tàu có công suất lớn, với chiều dài từ 15 m trở lên. Để đảm bảo phục vụ nghề cá này chúng ta có một quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đó là quy hoạch hệ thống khu neo đậu và cảng cá. Theo quyết định của Thủ tướng thì đúng ra chúng ta phải thực hiện từ sau năm 2015, với tổng giá trị là 36.500 tỷ. Tuy nhiên do khó khăn về ngân sách, 5 năm vừa qua, đầu tư công chúng ta mới đảm bảo được 28% theo quyết định đó, dẫn đến thiết chế hạ tầng để đảm bảo cho các tàu của chúng ta neo đậu, các cảng cá theo hướng hiện đại chưa đáp ứng được”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ mong muốn trong đầu tư trung hạn 2021-2025, một trong những nhiệm vụ ưu tiên Bộ NN&PTNT đã đề xuất là tập trung cho hạ tầng nghề cá. “Rất mong các bộ, kể cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với chúng tôi cố gắng ưu tiên nhiệm vụ hoàn thiện thiết chế hạ tầng này để chúng ta có một nghề cá, nghề khai thác hải sản phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cũng liên quan về vấn đề thủy sản, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, đoàn Cần Thơ có chất vấn Bộ NN&PTNT về xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, giá thành cao, giá bán thì thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Cá tra là một sản phẩm mang tính lợi thế nhưng hiện nay đang chịu thách thức. Nếu chúng ta không tổ chức làm tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu mà còn bị cạnh tranh từ các nước đang nổi lên cũng nuôi cá tra. Câu chuyện này hoàn toàn đúng, đây là mặt hàng chúng ta rất có lợi thế. Chỉ có một diện tích là 6.000 hecta mà một năm đã tạo ra 1,5 triệu tấn cá với một giá trị xuất khẩu là 2 tỷ USD, một ngành hàng rất lợi thế”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết để tiếp tục phát triển cá tra cũng có nhiều thách thức cần giải quyết.
Vấn đề thứ nhất là, trong khâu sản xuất phải tiếp tục ứng dụng khoa học, công nghệ để làm sao khâu sản xuất tốt nhất. Theo Bộ trưởng công tác giống chỉ là một công đoạn, còn toàn bộ quy trình ứng dụng công nghệ cao, tất cả các doanh nghiệp phối kết hợp với bà con nông dân hình thành liên kết, vừa rồi ứng dụng công nghệ rất cao. Ví dụ như Công ty Nam Việt, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, một loạt các doanh nghiệp. Từ đó, khâu sản xuất phải làm tốt hơn để góp phần hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất.
Vấn đề thứ hai là, tập trung chế biến. Ngành hàng cá tra hiện nay có trên 50 sản phẩm, các sản phẩm đưa ra thị trường phải tuân thủ theo quy luật kinh tế tuần hoàn và đã có những sản phẩm được đánh giá rất cao như colagen từ da cá tra là Việt Nam làm đầu tiên. Cùng với đó cá tra cũng cho ra 50 mặt hàng khác. Vì vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa chuỗi giá trị này để đảm bảo cho giá trị cao nhất.
Vấn đề thứ ba, quan trọng nhất hiện nay là tổ chức lại thị trường. "Chúng ta chỉ chú ý mỗi đến thị trường xuất khẩu, sản phẩm này có hạn mà cứ liên tục tăng thì không được, trong khi lại còn các sản phẩm cá của các nước khác. DO đó, một là, hướng chúng ta đi vào tinh chứ không phải đẩy mạnh xuất khẩu tăng về số lượng. Cùng với đó, phải hết sức chú ý đến thị trường trong nước 100 triệu dân. Hai năm vừa qua, chúng ta đã làm và đặc biệt năm nay xu hướng tiêu dùng ở ngoài Bắc khá tốt. Như vậy, chúng ta cơ cấu lại thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tổng kết: “Như vậy, 3 nhóm giải pháp, một mặt là thúc đẩy sản xuất, một mặt là tăng cường chế biến, một mặt là tổ chức lại thị trường, đồng bộ những giải pháp đó của khu vực Nhà nước, cả doanh nghiệp, cả người dân thì chúng ta sẽ tiếp tục có lợi thế phát triển sản phẩm này ở đồng bằng sông Cửu Long và để hội nhập tiếp tục giữ được hiệu quả”.
Đỗ Hương