|
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Xử lý nhiều cán bộ nhưng chưa hết vi phạm trật tự xây dựng
Trả lời làm rõ câu hỏi của ĐBQH về vi phạm quy hoạch chi tiết khu đô thị, các khu chung cư, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thừa nhận, việc chủ đầu tư có vi phạm liên quan đến quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị đã được xây dựng trên địa bàn là có thật.
Theo ông Chung, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết được UBND TP Hà Nội, các cơ quan tham mưu của TP trình trên cơ sở phê duyệt của Bộ Xây dựng, Chính phủ phê duyệt. Nhưng có một số chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm liên quan đến quy định về mật độ xây dựng, chiều cao.
“Trách nhiệm trước hết thuộc về Thành phố trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã thiếu giám sát, kiểm tra, đặc biệt là liên quan đến lực lượng thanh tra chuyên ngành. Cùng với đó, là việc chủ đầu tư đã cố tình vi phạm các quy định liên quan”, ông Chung nói.
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã tăng cường phối hợp với thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cụ thể cho thanh tra chuyên ngành, giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành lập đoàn kiểm tra đối với việc quản lý, giám sát, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương…
Với các biện pháp quyết liệt như vậy, ông Chung cho biết, đã xử lý nhiều công trình vi phạm và cán bộ vi phạm. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, đã kiểm tra và xử lý 18 trường hợp cán bộ lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã, chánh thanh tra có vi phạm.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn ra, ở cả công trình dân dụng quy mô nhỏ và các công trình lớn.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề xuất thí điểm việc cho phép Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp quản lý lực lượng thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng. “Hà Nội sẽ đề xuất với Thủ tướng thời gian tới về việc này”, ông Chung nói.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch Hà Nội thẳng thắn nhận trách nhiệm liên quan đến việc chậm xử lý vi phạm khu nhà này.
Ông Chung cũng khẳng định, Hà Nội rất nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện nay đã hạ toàn bộ tầng 19 tòa nhà, tuy nhiên với các tầng tiếp theo, do yêu cầu phải phá dỡ một phần để “giật cấp”, nên hiện tại chủ đầu tư đang trình thẩm định phương án kỹ thuật, mời các nhà khoa học xem xét, đánh giá.
Với trách nhiệm cá nhân, ông Chung hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Về việc này, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ kiên quyết xử lý vi phạm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. “Theo quy định, việc này thuộc trách nhiệm của Hà Nội, nhưng thấy đây là vấn đề lớn nên Bộ đã phối hợp mời cơ quan chuyên môn để thẩm định các phương án xử lý, bảo đảm an toàn”, Bộ trưởng nói.
Áp lực tăng dân số cơ học
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố đã ban hành nhiều quy hoạch để quản lý, phát triển đô thị theo Đồ án quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên theo ông Phong, bất cập là ở chỗ, theo đồ án quy hoạch chung, dân số đến năm 2025 của Thành phố là 10 triệu người, nhưng thực tế hiện nay đã là 13 triệu người.
“Với 13 triệu người thường xuyên sinh sống và làm việc, TPHCM đang đứng trước áp lực rất lớn lớn về hạ tầng kỹ thuật, trước hết là về hạ tầng giao thông”, ông Phong nói.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, bình quân mỗi năm dân số Thành phố tăng cơ học 3,7%, tức là cứ mỗi năm sẽ có thêm khoảng 130.000 người đến sinh sống tại đây.
Thành phố hiện có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy, 700.000 ô tô. Tính trung bình, mỗi ngày có thêm 1.000 phương tiện đăng ký mới, trong khi đó đường xá không được mở rộng tương ứng. Chưa kể, TPHCM là trung tâm giao lưu của cả vùng, do đó lượng phương tiện, hàng hoá dồn về là cực lớn, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Để khắc phục, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị cần nhanh chóng xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, đường trên cao, đường sắt đô thị, phát triển mạnh giao thông công cộng.
Cùng với đó, Thành phố cũng đang triển khai nhiều công trình, dự án giao thông nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn; thực hiện phân luồng, tuyến hợp lý hơn để giảm ùn tắc.
Về lâu dài, TPHCM cho rằng cần phát triển các đô thị vệ tinh để giãn dân ra khu vực ngoại thành.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc tăng dân số cơ học quá nhanh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc quản lý, phát triển đô thị gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh các giải pháp như phát triển cơ sở hạ tầng, thì việc quy hoạch, phát triển các đô thị vệ tinh quanh các đô thị lớn là giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, các đô thị vệ tinh phải đủ hấp dẫn để “kéo” người dân đến sinh sống, làm việc, có kết nối tốt với các đô thị trung tâm.
|
Xuân Tuyến