Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Phan Chu Đức thông tin với các phóng viên
(Ảnh: TH)
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Phan Chu Đức cho biết, qua kiểm tra, các đơn vị của Thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt công tác sắp xếp bộ máy tổ chức sớm đi vào hoạt động ổn định.
Kết quả, năm 2016, Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Qua đó đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban; 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 Ban quản lý dự án... Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động hiệu quả; chất lượng, khối lượng công việc được cải thiện; phát huy được trình độ, ý thức trách nhiệm của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
6 tháng đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo Thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy với: Khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội; khối các cơ quan chính quyền (các cơ sở giáo dục, dạy nghề; sắp xếp các công ty Thuỷ lợi và Công ty TNHH một thành viên Đường sắt; sắp xếp các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)...
Trong công tác tinh giản biên chế, theo ông Phan Chu Đức, việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trong 330 trường hợp tinh giản biên chế của 6 tháng đầu năm 2017, Khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội sau khi xây dựng đề án vị trí việc làm giảm 104 biên chế so với tổng số biên chế Trung ương giao.
Đối với viên chức, Thành phố kiên quyết không tăng biên chế, chỉ tăng cho lĩnh vực y tế và giáo dục theo đúng định mức quy định tại các văn bản của Trung ương.
UBND TP cũng đã phê duyệt xong việc điều chỉnh Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính theo Danh mục vị trí việc làm Bộ Nội vụ phê duyệt. Đối với đề án vị trí đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn thành vị trí việc làm theo 2 khối y tế và giáo dục.
Tại buổi giao ban, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hà Nội chậm triển khai thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở , đồng chí Phan Chu Đức cho biết: Không phải Hà Nội không làm mà phải căn cứ vào đặc thù địa phương. Hà Nội sẽ thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng. Cùng đó, sẽ nghiên cứu đề án đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
“Hà Nội có đặt vấn đề thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng. Việc này Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Tổ chức chuẩn bị và đang nghiên cứu. Tại thời điểm phù hợp, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ báo cáo Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định thực hiện chủ trương này” – ông Đức cho biết.
Cũng tại buổi giao ban, thông tin thêm về việc thực hiện Nghị quyết 39, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết 39 là việc rất khó, hệ trọng vì liên quan đến con người, tổ chức, do đó cần phải làm một cách bài bản, khoa học, toàn diện, mục tiêu cuối cùng là để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 39, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn những việc làm trước, làm sau, có thí điểm và triển khai đại trà. Trong đó, các ban Đảng Thành ủy gương mẫu đi đầu. Trên thực tế, Nghị quyết 39 đã được triển khai đồng bộ, trong đó khối các ban quản lý dự án thực hiện nghiêm túc nhất, thu gọn số lượng lớn các đầu mối.
Trong năm 2017, Hà Nội sẽ hoàn thành đề án đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp, phấn đấu đến 2020 giảm tối thiểu 10% số biên chế được giao, hoàn thành trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết 39/NQ-TW.
Một trong những trọng tâm TP. Hà Nội đặt ra trong những tháng cuối năm là tiếp tục công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy. Trọng tâm là sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch báo chí Thủ đô đến năm 2020; đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị y tế, giáo dục, văn hoá, lao động thương binh và xã hội; rà soát định mức và cơ cấu biên chế lĩnh vực y tế, giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn của Hà Nội./.
Thu Hà