Đây là những nội dung quan trọng được nêu trong Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội năm 2018 vừa được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành.
Cụ thể, trong chỉ thị này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan ngang Sở; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt ngay các nội dung, yêu cầu của Chỉ thị tới các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc; cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), người lao động.
Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; định kỳ sơ kết, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, của cơ quan, đơn vị.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả năm chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của CB, CC, VC thành phố Hà Nội.
Khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo phương trâm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả”,“một việc, một đầu mối xuyên suốt”; đôn đốc, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính;
Thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc CB, CC, VC thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, vi phạm quy tắc ứng xử trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, cung cấp chỉ giới đường đỏ, thông tin quy hoạch, đăng ký hộ khẩu, cấp lý lịch tư pháp, tuyển dụng, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh, lao động thương binh và xã hội...
Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã theo hướng dẫn của Sở Nội vụ; xây dựng và tổ chức triển khai đánh giá, xếp loại hàng tháng, quý, năm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại cơ quan, đơn vị.
Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm; nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính dưới hình thức kiểm tra đột xuất, không báo trước, mỗi cơ quan đơn vị kiểm tra ít nhất 1 lần/tháng./.