Hà Nội sẽ thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai 

(ĐCSVN) – Giám sát tại 8 sở ngành, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô cho thấy vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân…

Sáng 13/8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.

Các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tham dự phiên giải trình.

Nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện, sử dụng sai mục đích…

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn để yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan giải trình vì đất đai là nguồn lực rất quan trọng để phát triển Thủ đô.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: TH)

Tuy nhiên, sau đợt giám sát chuyên đề của HĐND TP tổ chức trong tháng 5, 6 vừa qua về dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn thành phố (giám sát tại 8 sở ngành, 30 quận, huyện, thị xã) cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được nổi bật vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân…

“Với những dự án này, cử tri kiến nghị nhiều qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, qua các kênh thông tin báo chí phản ánh. Những hạn chế, tồn tại này cần được UBND TP và các sở ngành, quận huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước nhân dân, cử tri, đồng thời tìm ra giải pháp, lộ trình khắc phục tồn tại, sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn thành phố” – Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Thông qua phiên giải trình, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng là dịp để các nhà đầu tư, chủ đầu tư đang được giao triển khai các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, để góp phần phát triển Thủ đô đúng quy hoạch, chiến lược đề ra.

Trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý Nhà nước

Tại phiên họp, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã phát phóng sự về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. HĐND TP Hà Nội cho biết, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn TP có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 76 dự án chậm triển khai từ 5-10 năm. Tuy nhiên, đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội cho rằng con số 161 là chưa đủ và dẫn ra số liệu có tới 283 dự án chậm triển khai.

HĐND Hà Nội cho rằng nhiều chủ đầu tư “xí phần” nhận đất nhưng chậm triển khai, khiến dân sống trong tình cảnh dở dang. Trong đó, không ít dự án chậm triển khai hơn 10 năm. Cụ thể, Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng công ty xây dựng Licogi rộng 35 ha, chậm tới 14 năm; Dự án khu đô thị Cổ Nhuế của Tập đoàn Nam Cường rộng 17,6 ha tại phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cũng đã bỏ hoang 12 năm; Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) của Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) rộng 20 ha, Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) của Sông Đà Sudico rộng 10,6 ha chậm tiến độ 11 năm.

Một loạt dự án chậm 10 năm như Dự án Làng Việt cổ Hoài Đức ở La Phù (huyện Hoài Đức) rộng 23,4 ha, Dự án khu đô thị AIC Mê Linh tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) của Công ty CP Bất động sản AIC rộng tới 94 ha, Khu đô thị Mai Linh tại xã Song Phương và Tiên Yên, diện tích 139 ha...

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh:TH)

HĐND TP Hà Nội còn chỉ ra trên địa bàn có 37 dự án sử dụng đất sai mục đích. Điển hình như dự án xây dựng khách sạn trên khu đất 15-17 phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình) bị bỏ hoang hơn 10 năm. Một dự án xây dựng bể bơi trong khu thể thao quận Tây Hồ nhưng lại được làm chỗ trông giữ xe trái phép. Dự án rộng 13.000 m2 xây khách sạn của Sao Phương Bắc tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) nhưng đang không triển khai, bị chuyển thành sân bóng cho thuê. Dự án ở số 201 Trường Chinh (quận Đống Đa) được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư TSG Việt Nam làm trung tâm thương mại đã 9 năm nhưng bị biến tướng thành nhà hàng rộng 2.000 m2…

HĐND TP Hà Nội cũng cho biết trên địa bàn đang có 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, với tổng số tiền nợ là 5.500 tỷ đồng.

Từ việc để các dự án chậm triển khai, sử dụng sai mục đích, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, HĐND TP Hà Nội chỉ ra trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai và các dự án đã được cấp, xử lý nghiêm các dự án vi phạm Luật Đất đai, những dự án nào chậm triển khai cương quyết thu hồi…

Sẽ thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai

Trong buổi sáng đã có 28 lượt đại biểu trực tiếp nêu 33 câu hỏi đối với 3 giám đốc sở, 5 lãnh đạo quận, huyện và 2 câu hỏi với UBND thành phố. Qua trả lời, lãnh đạo các sở đã làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn; lãnh đạo các quận, huyện cũng báo cáo rõ về thực tiễn quản lý tại địa phương, tìm ra được nguyên nhân tồn tại và làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, vấn đề các dự án sử dụng đất chậm triển khai là vấn đề nóng được lãnh đạo thành phố rất quan tâm. Thời gian qua, công tác quản lý nội dung này cũng gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân có nhiều, từ năng lực của nhà đầu tư “hụt hơi” về tài chính, khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; những thay đổi trong chính sách đất đai; đặc biệt là do sự yếu kém trong quản lý…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ kiên quyết thu hồi đất của các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực triển khai. Một mặt, UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch, phân công, đôn đốc các sở, ngành, Thanh tra Thành phố kiểm tra, thanh tra, đề xuất thu hồi những dự án không đủ điều kiện. Mặt khác, thành phố sẽ tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó cố gắng, phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư. Hiện thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thành phần mềm quản lý các dự án để quản lý chặt chẽ hơn…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TH)

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, tới đây, thành phố sẽ công bố công khai danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi đất. Để có danh sách này, thành phố đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi chủ đầu tư thực sự không thể tiếp tục triển khai. “Quan điểm của thành phố là sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, với 383 dự án chậm triển khai và có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, cần nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan là các cơ quan quản lý nhà nước từ sở, ngành đến quận, huyện chưa kiên quyết, kịp thời mà còn nể nang, né tránh; chưa làm hết trách nhiệm của mình trong tham mưu cho UBND TP trong quản lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, sau phiên họp giải trình cần rà soát, thống kê chính xác số lượng các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn; các dự án có chủ trương đầu tư được chấp thuận song chậm làm thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Trên cơ sở đó, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác định vi phạm và phân loại vi phạm để xử lý phù hợp.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội lưu ý cần tăng cường công tác hậu kiểm các dự án; định kỳ thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai để cử tri và nhân dân giám sát. Các quận, huyện, sở, ngành kiên quyết không xem xét, giao dự án mới cho các nhà đầu tư có dự án chậm, vi phạm, chưa khắc phục; không xem xét gia hạn, điều chỉnh dự án đối với dự án chậm triển khai, kéo dài mà chủ đầu tư không còn năng lực, nợ tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, vi phạm Luật Đất đai; yêu cầu các chủ đầu tư trên địa bàn dự án có cam kết thực hiện đúng tiến độ.../.

Thu Hà

470 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1103
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1103
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87086832