TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí. (Ảnh: TA)
Thông tin trên được TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay 7/5.
Theo TS Lã Thị Lan, Hà Nội trong 10 năm qua cả 3 tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm đều giảm nhưng nhiều khó khăn thách thức vẫn đang tồn tại. Điều đáng nói là lây nhiễm qua đường tình dục tăng mạnh đã trở thành phương thức lây truyền chủ yếu trong thời gian gần đây. Cụ thể, tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018 tại Hà Nội.
“Vì vậy bạn tình của người nhiễm HIV được coi là quần thể có nguy cơ cao mới, đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động, can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế lây lan HIV nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS do Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS phát động. Hà Nội là Thành phố trọng điểm trong khu vực các tỉnh vùng kinh tế phía Bắc cam kết thực hiện mục tiêu này…”, TS. Lã Thị Lan thông tin.
Theo Tiến sĩ Lã Thị Lan, trong 10 năm qua, tại Hà Nội cũng như Việt Nam, cả 3 tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm đều giảm. Có được kết quả nêu trên là do Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS. Trong đó, để tăng số người nhiễm HIV vào điều trị thuốc ARV, Chương trình phòng chống AIDS Hà Nội đã áp dụng các mức thưởng cho bất kỳ ai đưa được người nhiễm HIV vào điều trị thuốc ARV.
Theo đó, bất kỳ người dân nào đưa được người nhiễm HIV đến các trung tâm y tế điều trị sẽ được “thưởng nóng”. Tuỳ theo các trường hợp khác nhau sẽ được thưởng các mức khác nhau: Mức thấp nhất là 200.000 đồng/người trích từ ngân sách thành phố; mức 600.000 đồng/người với bệnh nhân đã từng điều trị ARV và mức cao nhất lên tới 1,8 triệu đồng/người (trích từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế).
Theo TS Lã Thị Lan, đó là những giải pháp mạnh để tăng tỷ lệ điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Giải pháp này đã phát huy hiệu quả trong điều trị ARV, điển hình như tại huyện Ba Vì sau khi có cơ chế khuyến khích này số người phát hiện được điều trị đã tăng vọt. Từ tháng 6/2017, số người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV đã tăng gấp đôi, nhiều tổ chức như hội phụ nữ, công an viên, các đơn vị đều tăng cường giám sát phát hiện, đưa người nhiễm HIV đi điều trị. Bên cạnh đó, để tăng số người nhiễm HIV được điều trị ARV, Hà Nội cũng có cơ chế “thưởng nóng” 2 triệu đồng cho nhân viên y tế khi tư vấn, vận động được người bệnh điều trị ngay trong ngày, sau khi có kết quả phát hiện HIV.
TS Lã Thị Lan cho biết thêm, một người nhiễm HIV nếu được điều trị bằng thuốc ARV khi đạt tải lượng vi-rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Phát hiện này đã trút bỏ được gánh nặng sợ lây truyền cho người khác của người nhiễm HIV, giúp họ có hy vọng vào tương lai, không còn mặc cảm, kỳ thị bản thân và có thể xây dựng các mối quan hệ thân mật như người bình thường. Các cặp đôi dị nhiễm đang mong muốn có thai cũng có thể thụ thai mà không còn e sợ nguy cơ lây truyền nếu người bạn tình có HIV đang điều trị ARV và duy trì tải lượng vi-rút “không phát hiện”.
Để người bệnh hiểu hơn về tác dụng điều trị ARV, vừa qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã kịp thời triển khai chiến dịch truyền thông K = K trong phòng chống HIV/AIDS. Thông điệp “K = K” có nghĩa là “Không phát hiện là không lây truyền” nhằm thúc đẩy nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại Hà Nội.
Theo TS Lan, thông điệp này mang lại hy vọng và thay đổi cuộc đời của những người sống chung với HIV, cũng như bạn bè và gia đình của họ khi hiểu rằng tiếp cận điều trị ARV sớm, duy trì điều trị và duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ giúp họ có thể sống lâu hơn, sống khỏe mạnh hơn, có thể sinh con và không bao giờ phải lo sợ về lây nhiễm HIV cho bạn tình.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dù đã đạt những kết quả khả quan nhưng tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018. Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan liên quan cần sớm có giải pháp và hành động, can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế sự lây lan của vi rút HIV./.
Trung Anh