Trung tá Hoàng Văn Phong luôn gắn bó với đồng bào dân tộc, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Xuân Thế
Gần 30 năm làm người lính Biên phòng, anh có hơn 20 năm làm công tác vận động quần chúng, từ những ngày trên tuyến biên giới, với những địa bàn vô cùng khó khăn “không điện, đường, trường, trạm”, cho đến những ngày có sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra trên địa bàn tuyến biển, anh đều có mặt để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con vượt khó, ổn định cuộc sống. 10 năm (từ 2006 đến 2016), thực hiện Quy định 06 của Tỉnh ủy về tăng cường cán bộ Biên phòng về giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới, anh được điều động về công tác tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.
Đây là địa bàn khó khăn nhất trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ làm cho đời sống của bà con vốn đã khổ, lại càng thêm cực khổ hơn. Các tệ nạn cúng, bói, rượu, chè, kết hôn cận huyết thống, kết hôn trái phép qua biên giới, chặt phá rừng làm nương rẫy, đào đãi vàng trái phép... cũng diễn ra khá phức tạp trên địa bàn.
Với sự trăn trở nâng cao đời sống cho bà con, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng nhau đoàn kết, xóa bỏ dần các hủ tục để chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình như: Trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Từ đó các thương hiệu “gà bản”, “heo bản”, “dê bản” lần lượt được ra đời.
Bên cạnh đó, anh còn huy động các nguồn lực để giúp dân làm máy thủy điện nhỏ để thắp sáng, trồng lúa nước, nâng cao thu nhập của người dân, cái đói, cái nghèo từng bước được đẩy lùi, tạo dựng niềm tin vững chắc cho nhân dân... Song song với giúp dân phát triển kinh tế, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển đảng viên mới, tạo nguồn cán bộ địa phương tại chỗ.
Qua 10 năm công tác, anh đã giúp địa phương xây dựng được 12 mô hình phát triển kinh tế, bồi dưỡng, phát triển mới được 46 đảng viên, củng cố các tổ chức quần chúng hoạt động yếu kém vươn lên khá, tốt; tạo nguồn cho địa phương được 26 cán bộ thôn, xã. Đồng thời, tạo điều kiện, động viên cán bộ thôn, xã đi học, nâng cao trình độ các mặt công tác, vận động được 236 cháu bỏ học trở lại trường; vận động các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm xây dựng trường, lớp, chăm lo công tác giáo dục.
Đặc biệt, anh đã làm tốt công tác tuyên truyền phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn để vận động nhân dân xây dựng phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh thôn, bản”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản, làng văn hóa... Thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, nhất là kết nghĩa bản - bản, kết nghĩa đồn - trạm hai bên biên giới, góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó, chung sức xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Đầu năm 2016, anh được cấp trên điều động về làm Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn BP Cửa Việt, quản lý địa bàn 3 xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, đây cũng là địa bàn khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự, các đối tượng lợi dụng tôn giáo hoạt động chống phá trên địa bàn, nhất là sau sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra...
Xác định tốt trách nhiệm của mình, không quản ngại khó khăn, gian khổ, anh đã lăn lộn bám địa bàn, đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu về những chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, cùng với các cấp chính quyền địa phương giải quyết sự cố môi trường biển. Đồng thời, anh đã giúp cấp ủy, chỉ huy đồn và cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình nhân dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp xảy ra như giải quyết đơn thư khiếu kiện, xử lý các đối tượng xấu tuyên truyền xuyên tạc, kích động nhân dân chống phá, gây rối an ninh trật tự, ổn định tình hình địa bàn, không để xảy ra điểm nóng; cùng địa phương vận động bà con chuyển đổi sinh kế, từng bước nâng cao đời sống. Đặc biệt, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Qua đó, thành lập được 10 Tổ tàu thuyền an toàn, 14 Tổ tự quản an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển. Bản thân anh không ngại khó, ngại khổ, tích cực trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, bảo vệ tính mạng và làm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho ngư dân. Từ đầu năm 2017 đến nay, anh nhiều lần trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn trục vớt tàu, ngư lưới cụ cho ngư dân bị nạn trên biển.
Đặc biệt là trong tham gia cứu hộ vụ tàu cá của ông Nguyễn Đức Giả bị lốc xoáy đánh chìm tại khu neo đậu tránh trú bão; tàu cá của ông Trần Công Tăng bị mắc cạn tại khu vực giữa phao số 2 và số 3, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, anh còn tham mưu chỉ huy đồn nhận đỡ đầu 4 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn 3 xã, mỗi tháng 400 nghìn đồng/cháu. Hiện, các cháu rất chăm ngoan và học tập đạt kết quả tốt.
Với những thành tích trên, nhiều năm liền, Trung tá Hoàng Văn Phong được cấp trên khen thưởng, trong đó, Ban Dân vận Trung ương tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận; Tỉnh ủy Quảng Trị tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào "Dân vận khéo" giai đoạn 2010-2012; Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2014; Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác vận động quần chúng... Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với anh là được sống trong niềm tin yêu, mến phục của nhân dân ở khu vực biên giới.
Xuân Thế