Gửi tới mùa xuân một niềm tin 

(CAND)- Đứng ngắm rẫy chuối mật của gia đình mình dưới chân đỉnh núi Cà Tam bên dòng Sê Băng Hiêng, ông Lê Đình Hoan không giấu được niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt khi nhìn thấy những mầm cây chuối non nảy lên từ mặt đất căng đầy sự sống.

Sắc nắng ấm mùa xuân vàng ửng trên từng đỉnh núi vương xuống cánh rừng biên cương để trên những tán cây, vô vàn lộc biếc nảy chồi như đang gửi tới mùa xuân một niềm tin vào mô hình sản xuất mới hứa hẹn sẽ mang đến sự đổi thay phát triển của bản làng vùng cao biên giới.

Trung tá Nguyễn Quang Tuấn hướng dẫn ông Hoan cách phát hiện và trị bệnh sùng đục thân cho cây chuối.

Cây chuối mật có mặt và bản Cù Bai, xã Hướng Lập, H. Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) là câu chuyện gắn liền với Trung tá Nguyễn Quang Tuần- Đồn trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP tỉnh Quảng Trị) và ông Lê Văn Hoan. Dường như yếu tố về địa lý và có một phần nào đó từ sự thiếu cố gắng vươn lên khó khăn của người dân tộc thiểu số Vân Kiều đã làm hạn chế rất nhiều đến sự phát triển về mọi mặt của xã biên giới Hướng Lập. Trở trăn trong thử nghiệm, trở trăn trong định hướng phát triển, trong chọn giống cây, giống con phù hợp với mọi điều kiện và cả trình độ người dân cho hành trình phát triển... thế nhưng tốc độ tăng trưởng của xã Hướng Lập vẫn luôn ở trong nhóm cuối của H. Hướng Hóa. Tổng thu nhập bình quân trên mỗi người dân mới chỉ đạt 9,8 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 59,8%.

Đã nhiều năm nay, cây trồng chủ lực nơi miền đất biên viễn này là loại cây bời lời, một loại cây công nghiệp cho sản phẩm từ vỏ. Sau khi trồng khoảng 3 năm thì sẽ cho thu hoạch với giá bán khoảng từ 15 đến 17 nghìn đồng mỗi kg vỏ khô, thế nhưng mấy năm trở lại đây giá bán chỉ còn từ 3 đến 4 nghìn đồng/1kg mà chưa biết đến bao giờ giá thương lái thu mua mới được nhích lên. Chính vì vậy, người dân không còn mặn mà với loại cây này. Thêm một lần nữa, lãnh đạo xã Hướng Lập lại trăn trở, suy nghĩ, lo lắng cho dân...

Trong một lần đi công tác tại xã Hướng Lập, tôi đã được nghe bà Hồ Thị Thiết- Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: "Tuy cây chuối mật mới trồng thử nghiệm trên địa bàn xã được hơn 2 năm song loại cây này phát triển rất tốt và cho năng suất, chất lượng quả rất khá. Thời gian tới nếu phù hợp thì chúng tôi sẽ khuyến khích bà con tích cực trồng theo mô hình cây nguyên liệu để thay thế dần cho một số loại cây khác có giá trị kinh tế không cao, đồng thời phối hợp với Đồn biên phòng và các ngành, các cấp tìm đầu ra ổn định cho bà con". Để nhận được lời khẳng định tích cực từ người Bí thư Đảng ủy xã thì cây chuối mật và người đem nó về với vùng đất phía thượng nguồn dòng sông Bến Hải này phải thật thuyết phục. Và câu chuyện như sau:

Vườn chuối trồng thử nghiệm của gia đình ông Lê Văn Hoan xanh tươi trong sắc nắng mùa xuân.

Tháng 6-2016, Trung tá Tuấn nhận quyết định giữ chức vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập. Nhìn thấy cuộc sống của bà con ngày ngày phải luôn vật lộn với muôn nỗi khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, Trung tá Tuấn đã nảy sinh ý tưởng đem giống cây chuối mốc vào trồng trên vùng đất Hướng Lập. Nghĩ và làm, trong một lần về dự họp tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, anh tranh thủ ghé thăm nhà và rủ người bạn thân học chuyên ngành nghiên cứu thổ nhưỡng cho cây trồng lên đơn vị chơi rồi đưa người bạn đi khắp địa bàn xem giúp anh liệu đất đai nơi đây có trồng được loại chuối mật. Sau hơn một tuần, người bạn trả lời thổ nhưỡng vùng này khá phù hợp cho nhiều loại chuối nhưng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc thì mới cho năng suất cao. Nghe thế, anh rất mừng, ngày 10- 3- 2017 sau khi chở bạn trở về xuôi, anh đã ghé lên thị trấn Lao Bảo dùng tiền riêng mua 350 gốc cây chuối con đem vào trồng thử ở bản Cù Bai và dọc triền đất dưới chân ngọn núi Cà Tam. Hồi hộp từng ngày dõi theo sự ra rễ, nhú mầm của cây cho đến khi toàn bộ 350 gốc chuối đủ sức để sống, phát triển tốt, lúc ấy anh mới tạm yên tâm. Tiếp đó, Tuấn lại bỏ ra 2,5 triệu đồng mua thêm 250 gốc chở vào trồng xung quanh đơn vị.

Cứ nghĩ như vậy là đã thuận lợi nhưng khi cây chuối mới kịp lên lá mới thì chỉ trong một buổi chiều, cả đàn bò và dê của người dân trong bản đã tràn vào rẫy và phá nát hơn 200 gốc. Thêm vào đó nhiều người dân đã nói khi thấy bộ đội trồng cây chuối mật "chuối lùn quả to mà chẳng có ai mua"... Tưởng chừng như mọi công sức bỏ ra sẽ bị "đổ sông, đổ biển", thế nhưng trong buổi họp dân để tuyên truyền, ông Lê Văn Hoan dũng cảm tiên phong trồng thử nghiệm. Thế là đơn vị liền vận chuyển 200 gốc cây chuối con đến tận rẫy nhà ông Hoan để cùng trồng. Trên đà thắng lợi ấy, đơn vị mua tiếp 500 gốc nữa đem vào để ông tiếp tục trồng. Và, có hơn 1.000 gốc chuối mật đã được trồng trên vùng đất Hướng Lập với tỷ lệ sống là 100%, năm nay đã có nhiều cây trổ buồng cho quả khá to.

Tôi tạm biệt bản Cù Bai, tạm biệt vùng đất biên cương Hướng Lập. Nắng xuân đang ngập tràn trên từng đỉnh núi, trên từng cánh hoa rừng. Tôi nghe rất khẽ trong gió xuân, tiếng những tàu lá chuối xào xạc vỗ về với thời gian cho một mô hình sản xuất mới đang manh nha hình thành và rạng rỡ bước tương lai trên vùng đất biên cương Hướng Lập nặng khát vọng vươn lên.

NGUYỄN THÀNH PHÚ

511 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1079
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1079
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87084115