|
GS Võ Tòng Xuân |
Đánh giá về tầm quan trọng của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, đây là một quyết sách lịch sử, thể hiện tầm nhìn thực tế của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Điều quan trọng là cần biết cách thực tế hóa tầm nhìn này mới có thể thực hiện thành công Nghị quyết.
GS. Võ Tòng Xuân nhìn nhận, Nghị quyết đã tạo điểm nhấn về thay đổi tư duy cho phù hợp với BĐKH như: Không coi nước mặn là một trở ngại mà biến nó thành cơ hội, bớt diện tích lúa, tiết kiệm nước ngọt, trồng những cây ăn trái có giá trị cao hơn.
Có một thực tế tại ĐBSCL là mặc dù giá lúa thấp nhưng trong khi chưa có cây gì, con gì có giá trị cao hơn, việc tăng diện tích lúa vẫn là hướng đi dễ thực hiện vì cơ sở hạ tầng đã có sẵn, chỉ cần mở rộng ra thêm. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120, các địa phương cần giảm diện tích lúa để lựa chọn cây trồng có giá trị cao hơn, nhưng tiêu tốn nước ngọt ít hơn, hoặc nuôi thủy sản có giá trị cao.
Thực tiễn cho thấy, các địa phương đang rất lúng túng, vì trồng cây gì hoặc nuôi con gì đều phải bảo đảm có người tiêu thụ chắc chắn, nếu không vẫn phải trồng lúa mới giữ vững được sinh kế. “Phá vòng luẩn quẩn của cây lúa nhất thiết các địa phương cần phải có tầm nhìn cao hơn và rộng hơn, phải thấy rằng không chỉ có cây lúa mà còn có những cây trồng vật nuôi giá trị cao hơn lúa”, GS. Võ Tòng Xuân khẳng định.
GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, ĐBSCL cần tiến tới kinh doanh nông nghiệp đa dạng, thông minh hơn chứ không chỉ trồng lúa. Đồng thời, cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn. Từ đó, Nhà nước, địa phương cùng doanh nghiệp đó mới cùng nhau tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới đó.
Tuy vậy, theo GS. Võ Tòng Xuân, tất cả những cố gắng của Nhà nước, Trung ương và địa phương cùng các nhà doanh nghiệp đều như “công dã tràng” nếu không có sự đổi mới của người nông dân. Phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún, nhất là nông dân trồng lúa. Phần lớn bà con nông dân còn nghèo, hoặc rất nghèo. Suy cho cùng cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ luôn luôn chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ trước mắt. Vì vậy, làm sao cho người nông dân thay đổi tư duy sản xuất là một thách thức lớn.
Để người nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm dần sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, GS. Võ Tòng Xuân hiến kế, cần điều chỉnh lại quy hoạch, xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa, lãng phí nguồn lực mà lợi ích cho nông dân không được bao nhiêu. Đồng thời, cần dự kiến một số cây, con có giá trị cao, thích nghi với các vùng đó để kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch mới đó có thể xây dựng HTX nông nghiệp sản xuất cụ thể những cây, con làm nguyên liệu theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực kêu gọi đầu tư, với những điều kiện ưu đãi như: Vốn vay nhẹ lãi, ân hạn đóng thuế, diện tích đất đai được bảo đảm theo dự án, từ đó, thiết kế điều lệ thành lập HTX nông nghiệp cho phù hợp mô hình đã xác định, gắn HTX nông nghiệp đó với doanh nghiệp đầu tư đang cần nguyên liệu do HTX nông nghiệp này sản xuất.
Về lâu dài, đất của tất cả xã viên sẽ được dồn điền đổi thửa để doanh nghiệp quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa bên cạnh các kênh tưới, kênh tiêu theo hệ thống thủy lợi của vùng. Sau đó, từng xã viên sẽ nhận lại phần diện tích đất mình, trừ tỷ lệ dùng làm đường giao thông nội đồng và các kênh mương, trụ sở nhà máy chế biến.
Thu Cúc