Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu đề dẫn Hội thảo

 

Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, trước mắt. Đây là vấn đề rất khó, liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và ở hai cuộc Hội thảo lần trước, Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Đề án, tiếp tục gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương.

Tại Hội thảo này, Thường trực Ban Chỉ đạo lấy ý kiến tham gia vào những vấn đề đã nêu trong Dự thảo Đề án.

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề trọng tâm liên quan đến phương thức lãnh đạo của Đảng và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian tới nhằm tạo sự thống nhất trước khi Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị.

Đồng chí Phạm Minh Chính mong muốn, các đồng chí dự Hội thảo từ kinh nghiệm và thực tiễn ở địa phương cơ quan, đơn vị mình, tích cực đóng góp ý kiến và thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề đã nêu trong Đề án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý kiến vào những nội dung: Về kết cấu của Đề án; Về tính cấp thiết của Đề án; Về các nội dung đánh giá ưu điểm, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những vấn đề cụ thể được nêu trong Đề án; Về các bài học kinh nghiệm trong Đề án; Về các quan điểm nêu trong Đề án gồm: (1) Việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp năm 2013, Điều lệ Đảng và tình hình thực tế. (2) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. (3) Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, bảo đảm khách quan, trung thực, toàn diện. (4) Bám sát mục tiêu, yêu cầu và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện Đề án. (5) Kiên trì thuyết phục để tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội. (6) Đảm bảo tính kế thừa, phát triển, đồng thời phải có sáng tạo, đổi mới trong quá trình xây dựng và thực hiện Đề án. (7) Giữ vững ổn định chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

 

Hình ảnh tại Hội thảo
Các đại biểu cũng đã góp ý về các nguyên tắc trong Đề án; Về những nội dung liên quan đến việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua tổ chức đảng và đảng viên; Về đề xuất kết thúc hoạt động của một số đảng đoàn, ban cán sự đảng và sắp xếp lại một số tổ chức đảng theo nguyên tắc, một tổ chức hành chính cơ bản chỉ có một tổ chức đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; Việc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và cơ quan của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; Việc sắp xếp lại các bộ, sở có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, có đối tượng và lĩnh vực quản lý trùng lắp.

Hội thảo cũng cho ý kiến về những quy định tiêu chí để thành lập một tổ chức (vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác; biên chế tối thiểu, số đầu mối trực thuộc...), khung số lượng cấp phó; những tiêu chí để thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; việc sắp xếp, bố trí số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đảng ủy khối các cấp, cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách của các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và một số cơ quan khác; về lộ trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; về tên của Đề án.../.

Tin, ảnh: Hiền Hòa