Góp ý “luật chơi “mới thúc đẩy phát triển thị trường trung gian thanh toán 

(Chinhphu.vn) - Ngày 10/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo: “Lấy ý kiến Thông tư về dịch vụ trung gian thanh toán”. Thông tư này nhận được nhiều ý kiến góp ý trong đó tựu trung là tạo môi trường thông thoáng, tăng cạnh tranh và nới các giới hạn giao dịch ví điện tử nhiều hơn.

 

Đây là dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư 39). Dự thảo này đưa ra các nội dung mới như quy định hồ sơ mở ví điện tử; giới hạn giao dịch một ví điện tử của cá nhân tối đa là 20 triệu đồng một ngày và 100 triệu đồng một tháng, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của tổ chức tối đa 100 triệu đồng một ngày và 500 triệu đồng một tháng.

 
 

 

Nhiều ý kiến được đóng góp, trao đổi thẳng thắn tại Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch.

 
 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết,  dịch vụ trung gian thanh toán đã giúp giảm thiểu việc thanh toán bằng tiền mặt. Vì thế, việc sửa đổi Thông tư 39 cần đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước cũng như định hướng của NHNN về đảm bảo tính bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp tài chính.

 
 

Đại diện NHNN, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, ví điện tử và dịch vụ thanh toán trung gian có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng hiện tại có mới khoảng 60 triệu giao dịch, trong đó, giá trị giao dịch lớn nhất là 5 triệu còn lại phần lớn chỉ dao động trong ngưỡng trên dưới 200.000 đồng.

 
 

Về bản chất, ví điện tử là dịch vụ thu hộ, chi hộ, hỗ trợ thu hộ chi hộ và để giao dịch qua ví điện tử thì bắt buộc phải có tài khoản thanh toán liên kết tại ngân hàng.

 

“Hiện nay chưa có dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử vì ngân hàng không có nhu cầu. Nên trong dự thảo sửa đổi Thông tư 39 lần này, một số nội dung được sửa đổi khá nhiều nhằm giảm thiểu rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp”, ông Phạm Tiến Dũng cho hay.

 
 

Nhận xét về sự phát triển của dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực phân tích, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ thanh toán qua ví điện tử tại Việt Nam trong vòng 7 năm qua đã tăng lên 17,6%. Trong khối ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm trung bình về tốc độ thanh toán điện tử, về cả số tiền lẫn giao dịch thanh toán, thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn lớn.

 

“Rào cản chính là do thói quen dùng tiền mặt của người dân, độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp, khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ nên chưa tạo được sự tin tưởng cao từ người tiêu dùng”, ông Cấn Văn Lực nói.

 

Tạo môi trường thông thoáng nhưng vẫn phải kiểm soát rủi  ro

 

Góp ý về những thay đổi của dự thảo, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đối với yêu cầu về hồ sơ mở ví điện tử phải có căn cước công dân hoặc CMND, hộ chiếu còn thời hạn… nên xem xét trường hợp đã có tài khoản ngân hàng sẽ được miễn trừ và cần tính đến khả năng xác thực số (sinh trắc học). Đồng thời, cũng cần làm rõ khái niệm liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng.

 

Đặc biệt, vấn đề nổi lên nhất tại hội thảo là những góp ý về hạn mức giao dịch của ví điện tử, hầu hết ý kiến đều tỏ ra băn khoăn về cơ sở pháp lý và thực tế để NHNN quy định hạn mức tại dự thảo; đồng thời đề nghị nâng hạn mức cho giao dịch của cá nhân hoặc không có hạn mức đối với giao dịch của tổ chức, doanh nghiệp.

 

Theo TS. Cấn Văn Lực, cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử. Còn ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm CLB Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, về bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng, do đó họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

 

Đánh giá về tác động của quy định mới đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế. Lấy ví dụ về lĩnh vực du lịch, các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất tại dự thảo. Ngoài ra, vị này cũng lo ngại quy định hạn chế mỗi người dùng chỉ được sử dụng 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng, vì trên thực tế người dùng có thể cần nhiều tài khoản kết nối ví điện tử khác nhau để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng, giao dịch khác nhau.

 

Một vấn đề nữa cũng được các DN quan tâm là về tài khoản đảm bảo thanh toán. Theo Điều 8 của dự thảo, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thỏa thuận với ngân hàng hợp tác về các biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ này. Tổng số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại thời điểm kết thúc ngày giao dịch.

 

Một số DN đề nghị có quy định linh hoạt hơn về tài khoản đảm bảo thanh toán, về điều kiện mở ví bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng...

 

Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng không thể đảm bảo thanh toán theo số tiền sắp được trả. Ngay khi các DN đã phát lệnh chuyển tiền, cũng chưa chắc các ngân hàng có thể thực hiện ngay tại thời điểm đó. Nếu có chênh lệch giữa số tiền phải thanh toán và số tiền đảm bảo thanh toán, thì khi rủi ro ai sẽ chịu trách nhiệm, ông Phạm Tiến Dũng đặt câu hỏi. 

 

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN Phạm Tiến Dũng, mặc dù các DN Fintech đã phát triển rất mạnh, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn, hệ thống dự phòng rủi ro còn chưa được tính hết. Với ngành ngân hàng đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn luôn được coi là yếu tố hàng đầu.

 

“Các công ty đang nắm giữ tiền của hàng triệu người dùng, nếu có vấn đề về hệ thống thì người dân biết đòi ai? Vì vậy các công ty tham gia bắt buộc phải đảm bảo tiêu chí về an toàn. Đây là cuộc chơi có điều kiện, không đủ điều kiện thì không thể tham gia cuộc chơi”, ông Phạm Tiến Dũng trao đổi.

 
 

Kết luận hội thảo, đại diện VCCI cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi cho cơ quan soạn thảo nghiên cứu đánh giá và tiếp thu. Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng cũng cam kết sẽ nghiên cứu các nội dung góp ý, đặc biệt trong vấn đề hạn mức giao dịch, và khẳng định mong muốn của NHNN trong việc xây dựng chính sách để khuyến khích các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Huy Thắng

581 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 816
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 816
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87053318