Gia đình chị Nguyễn Vân Anh có anh trai Nguyễn Ngọc Thu hy sinh năm 1974 tuy nhiên, trên giấy báo tử lại ghi là Nguyễn Ngọc Thụ. “Khi nhận giấy báo tử gia đình đặc biệt là cha mẹ tôi đã rất đau buồn và càng đau lòng hơn bởi cái tên khai sinh với biết bao ý nghĩa bị sai lệch. Phải đến năm 2017, sau 43 năm anh tôi hy sinh, gia đình mới biết và có điều kiện tìm đến Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin - đơn vị thuộc Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam, trực thuộc Bộ Tư pháp) nhờ trợ giúp điều chỉnh thông tin liệt sĩ”, chị Vân Anh bày tỏ.
Gia đình chị Vân Anh là một trong rất nhiều trường hợp Marin thực hiện kiến nghị điều chỉnh thành công thông tin liệt sỹ. Tại buổi tọa đàm “Công tác trợ giúp pháp lý trong hoàn thiện hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ” diễn ra tại Hà Nội ngày 19/7 nhân 15 năm Marin đi vào hoạt động, bà Ngô Thị Thuý Hằng, Phó Giám đốc Marin cho biết, hiện các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước có rất nhiều phần mộ có tên nhưng thiếu một phần hoặc toàn bộ thông tin để có thể xác định chính xác nhân thân như: nguyên quán, đơn vị, ngày hy sinh; hoặc sai một phần trong tên, họ, tên đệm.
Tọa đàm “Công tác trợ giúp pháp lý trong hoàn thiện hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ” do Marin tổ chức
Hàng chục năm qua, nhiều gia đình liệt sĩ chỉ có thể đến thăm viếng mà không thể làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung thông tin để nhận phần mộ liệt sĩ của gia đình mình. Rất ít trường hợp nhờ may mắn, liệt sĩ được trả lại đầy đủ thông tin và những thông tin này tới được gia đình họ. Trong khi đó, hiện tượng các gia đình liệt sĩ tìm mộ chỉ đơn thuần dựa theo phương pháp ngoại cảm trở thành vấn đề gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý mộ.
Trước những khó khăn của thân nhân các liệt sĩ, Marin đã đứng ra trợ giúp pháp lý trong hoàn thiện hồ sơ cho gia đình liệt sĩ. Việc trợ giúp được thực hiện theo quy trình: khớp nối, xác minh thông tin liệt sĩ tại hồ sơ quân nhân và thực địa, thay mặt thân nhân liệt sĩ kiến nghị các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ. Gia đình liệt sĩ chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin, ký vào đơn xin trợ giúp pháp lý có xác nhận của địa phương và chờ Marin thông báo kết quả, bà Ngô Thị Thuý Hằng chia sẻ.
Từ cuối năm 2013, Marin đã tiến hành thí điểm dự án trợ giúp pháp lý kiến nghị điều chỉnh 24 phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ đường 9, tỉnh Quảng Trị thiếu thông tin, cụ thể là có họ tên nhưng thiếu hoàn toàn các thông tin khác. Ngay sau khi kiến nghị điều chỉnh thành công 24 phần mộ này, tháng 8/2014, Trung tâm đã lập dự án Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin bia mộ 500 liệt sĩ theo phương thức chứng thực tại nghĩa trang liệt sĩ.
Một buổi tư vấn pháp lý cho gia đình liệt sĩ của Marin
Đến nay, Trung tâm đã thực hiện việc khớp dữ liệu của 3.567 phần mộ tại 26 tỉnh quản lý mộ. Hiện đã thực hiện kiến nghị điều chỉnh xong 623 phần mộ. Cùng với đó, thực hiện 31 cuộc tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thời gian tới, Marin sẽ tăng cường kết nối để tiến hành trợ giúp pháp lý kiến nghị điều chỉnh bằng phương pháp thực chứng khoảng 300 hài cốt liệt sĩ/năm, bà Hằng nói.
Chia sẻ về trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sĩ, ông Hoàng Văn Giang, Phó Tổng thư ký Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết, Luật quy định rất rõ thân nhân liệt sĩ là những người thực sự khó khăn về kinh tế có thể liên hệ với các trung tâm trên toàn quốc để được cán bộ, tư vấn viên tư vấn thông tin miễn phí.
Thời gian vừa qua Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cũng đã giúp nhiều gia đình liệt sĩ trong công tác tư vấn ban đầu tới liên hệ theo ủy quyền của gia đình liệt sĩ đến các cơ quan, chính quyền địa phương; đưa hồ sơ kiến nghị giúp đỡ gia đình đưa liệt sĩ về quê.
Phó Giám đốc Marin Ngô Thị Thuý Hằng bên phần mộ liệt sĩ
Thực tế là những khó khăn trong xác định chính xác nhân thân liệt sĩ do thiếu một phần hoặc toàn bộ thông tin là vấn đề khiến nhiều gia đình liệt sĩ bỏ cuộc. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đồng bộ hoá tất cả dữ liệu tại các cơ quan lưu trữ, các đơn vị liên quan, cần phải tổng hợp tình hình báo cáo Chính phủ, công khai phần thiếu thông tin ở mộ liệt sĩ, hồ sơ mà các gia đình không có điều kiện để tiếp xúc, tiếp cận để xác minh người thân của mình có như vậy mới sớm đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương”, ông Giang nêu ý kiến.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, từ năm 2016 đến năm 2018, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 5.886 hài cốt liệt sĩ.
Từ năm 2017 đến 2018, bằng phương pháp thực chứng đã xác định được danh tính 284 hài cốt liệt sĩ; bằng phương pháp giám định ADN 475 trường hợp trong đó có quan hệ huyết thống là 54 trường hợp, không có quan hệ huyết thống là 421 trường hợp.
Giai đoạn 2019 – 2020, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, từng bước công bố cho thân nhân, gia đình liệt sĩ; cơ bản hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm quy tập ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) trong phạm vi toàn quốc; tổ chức tìm kiếm, quy tập được 60% hài cốt liệt sĩ có thông tin ở địa bàn trong nước; tiếp tục tổ chức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Campuchia đến khi không còn thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ, nâng cao hơn nữa kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
|
Minh Châu