Góp phần ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch 

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong các văn kiện đại hội của Đảng đều đã nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (năm 1994) của Đảng đã xác định “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ. Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) của Ban chấp hành Trung ương “về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” đã nhấn mạnh “chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình”, âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch. Đến Đại hội X, Đảng xác định nhiệm vụ đấu tranh phòng chống “diễn biến hoà bình” là “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”. Đại hội XI (năm 2011), Đảng tiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Và tại Nghị quyết Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh tính chất quan trọng của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh toàn cầu hoá, cụ thể “Tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch”.

Thực tế cho thấy, các thế lực phản động, thù địch luôn điên cuồng chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Bằng những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm và luận điệu sai trái, thù địch, chúng đã kích động, lôi kéo các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tăng cường xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta; phủ định những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, cường điệu những yếu kém, khuyết điểm của nền kinh tế - xã hội và quy chụp đó là do yếu kém trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước; kích động nhân dân đòi đa nguyên, đa đảng, gây xáo trộn, rối loạn trong xã hội ta, từ đó lập mưu, tính kế kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhân dân từ bỏ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Để thực hiện mưu đồ trên, chúng đặc biệt chú ý lợi dụng ưu thế của công nghệ thông tin, triệt để khai thác mạng Internet, sử dụng mạng xã hội để chống phá Việt Nam, thúc đẩy xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút.

Từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận lịch sử và thành quả cách mạng, kích động tư tưởng “ly khai, tự trị”, đòi “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền, hỗ trợ thúc đẩy hình thành tổ chức chính trị đối lập. Chúng tiếp tục sử dụng 63 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, trên 400 báo, tạp chí, 88 NXB và nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngoài tuyên truyền PHTT chống Việt Nam, như đài RFI (Pháp), BBC (Anh), VOA, RFA (Mỹ)... sản xuất hàng chục nghìn tin, bài, video, bảng tin có nội dung sai sự thật để phát tán vào trong nước gây nhiễu loạn thông tin nhằm phê phán chính quyền, kích động chống Đảng, Nhà nước. Các tổ chức phản động lưu vong liên kết với các trung tâm phá hoại tư tưởng (PHTT) bên ngoài, lập mới hàng nghìn website, blog, chỉ đạo số đối tượng trong nước tiến hành hàng chục vụ trải truyền đơn, viết, vẽ khẩu hiệu phản động tại các địa phương để PHTT, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, mô hình Nhà nước và tính chất chính trị của lực lượng vũ trang; lợi dụng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, vấn đề biển Đông... phát tán các thông tin về “bí mật nội bộ”, “bí mật đời tư lãnh đạo” để bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân... Hiện có trên 300 tổ chức phản động lưu vong, trong đó có khoảng 100 tổ chức thực lực, hoạt động chống phá Việt Nam rất quyết liệt, tập trung ở Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Úc... Chúng sử dụng các trang mạng xã hội, chủ yếu là Facebook để kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, kích động bạo loạn lật đổ (nổi lên là facebook của các đối tượng Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Quang A, Lã Dũng, Nguyễn Văn Phương...); tạo lập các blog thu hút hàng triệu lượt truy cập như: “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Cầu nhật tân”, “Bồ câu đen”, “Tạp chí sự thật”, “Bỏ đảng”, “Ngày phán xét”, “Lỗi hệ thống” để thực hiện các chiến dịch PHTT quy mô lớn... để kích động có chủ đích chống phá  Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nguy hiểm hơn, chúng tập trung vào những vấn đề nhạy cảm để xuyên tạc, kích động, gây áp lực, hòng thay đổi chủ trương, đường lối của Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được. Có thể thấy, hệ thống báo nói, báo in, báo hình... do các thế lực thù địch tổ chức đã có mặt ở hầu hết các quốc gia có người Việt Nam sinh sống. Phần lớn các đài phát thanh, truyền hình, báo chí bằng tiếng Việt ở các nước đều bị các thế lực thù địch, các đảng phái, các tổ chức phản động lưu vong chi phối, thao túng hoặc lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch trong việc chống phá hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái...” đã được Đại hội đề cập và nhấn mạnh.
Ngăn chặn, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, làm tốt nhiệm vụ đó sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là nhiệm vụ nặng nề, cần phải có sự tham gia của nhiều ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tập trung cơ sở vật chất, trí tuệ... kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phản bác những tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch, phản động có hiệu quả.

Để đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin là giá trị trường tồn đã được thẩm định, tôi luyện trong tiến trình lịch sử của cách mạng vô sản thế giới và cách mạng Việt Nam. Tính cách mạng, khoa học đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lĩnh hội trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và đã được khẳng định bởi tính nhân văn, nhân đạo cao cả. Những điều tốt đẹp đó phải được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, tạo “rào chắn” hữu hiệu để “miễn dịch” các thứ độc hại từ những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch. Cái đảm bảo thắng lợi của việc ngăn chặn, phản bác các luận điệu sai trái chính là ở lòng tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đúng đắn do Đảng ta vạch ra. Vì thế, hơn bao giờ hết, bằng mọi cách phải củng cố, hoàn thiện hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác, làm cho uy tín của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng ta được đề cao trong xã hội. Đây chính là yếu tố quan trọng, là cơ sở để ngăn chặn, phản bác có hiệu quả mọi luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực thông tin, truyền thông. Sự lãnh đạo, chỉ đạo về mặt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có thông tin và truyền thông. Tư tưởng, quan điểm được hiện thực hóa thông qua hệ thống các cơ quan làm công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở. Trách nhiệm của cơ quan truyền thông phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân những thông tin chính xác, khách quan về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phải có định hướng về mặt chính trị, tư tưởng đối với hệ thống thông tin đại chúng, hướng đến bảo vệ những thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục quần chúng tinh thần yêu nước, yêu quê hương... biết nhận diện đúng đắn và tích cực tham gia đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ ba, hoàn thiện, nâng cao trình độ của đội ngũ làm công tác tư tưởng, thông tin và truyền thông. Những người làm công tác tư tưởng, thông tin và truyền thông phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, giác ngộ lý tưởng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Đội ngũ này phải được nâng cao trình độ lý luận chính trị, hiểu biết sâu sắc những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ phải được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ về thông tin, truyền thông, phải có trình độ ngoại ngữ, trình độ nghiệp vụ, có khả năng phát hiện, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đội ngũ này không những là người biết định hướng cho công chúng phương pháp, cách thức đấu tranh, ứng phó với các luận điệu sai trái, thù địch có hiệu quả, mà chính họ là những người trực tiếp đấu tranh ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái. Vạch trần âm mưu xuyên tạc bản chất chế độ ta, góp phần đánh bại mọi thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế pháp lý nhằm quản lý hiệu quả công tác thông tin, truyền thông. Hiện nay, biện pháp quản lý các phương tiện thông tin, truyền thông còn có nhiều bất cập, nhất là đối với các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội có máy chủ đặt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đây là một thực tế gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm. Trong khi đó, hằng ngày, hằng giờ các thế lực thù địch tung lên mạng nhiều thông tin độc hại, tấn công vào nội bộ ta, gây nhiều khó khăn cho ta trong quản lý trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Do đó, hoàn thiện các thể chế pháp lý, ban hành các điều luật, các văn bản dưới luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông là vấn đề có tính cấp thiết hiện nay. Cùng với đó phải tăng cường các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm chủ động ngăn chặn các thông tin độc hại tấn công vào Việt Nam. Mặt khác, cần có chính sách hợp lý khuyến khích, tuyển chọn và huy động nhân tài trong lĩnh vực này, cùng với chuyên gia an ninh mạng tham gia thiết lập các “bức tường thép” để ngăn chặn các thông tin xấu, độc hại thâm nhập vào nước ta. Làm tốt những vấn đề trên sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Diệu Linh

 

 

3740 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 806
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 806
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87002983