|
Các đồng chí đồng chủ trì hội thảo. |
Ngày 28/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự và đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Đề án; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM.
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là đại diện lãnh đạo các tỉnh, bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đại diện một số lãnh sự quán tại Việt Nam và các diễn giả trong nước và quốc tế...
Tập trung làm rõ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn
Phát biểu Đề dẫn hội thảo, đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết: Hội thảo khoa học quốc gia hôm nay sẽ cung cấp bức tranh tổng quan về: Định hình mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách CNH, HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Quá trình CNH, HĐH đất nước đã đạt những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận quá trình CNH, HĐH đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được. Vì vậy, tại hội thảo các đại biểu sẽ tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, đó là: Nội hàm của khái niệm CNH, HĐH? Nội dung cốt lõi của mô hình CNH, HĐH trong giai đoạn mới; CNH, HĐH gắn với các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ tổ quốc? CNH,HĐH vừa mang tính tổng thể, vừa gắn với quy hoạch phát triển vùng…
Gợi ý một số nội dung để các đại biểu trao đổi thảo luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách rất quan trọng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kịp thời phù hợp với các thay đổi trong quá trình phát triển của đất nước và diễn biến của tình hình thế giới. “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” cũng là một nội dung rất toàn diện với nhiều điểm mới nổi bật của Văn kiện Đại hội XIII.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận. |
Tại Hội thảo này, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu xuất phát từ cách tiếp cận rất mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong việc xác định mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới; đồng thời, xuất phát từ bối cảnh mới, nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng phát triển trong nước và thế giới để nhận thức, quan niệm rõ hơn về ý nghĩa, vị trí, vai trò của công nghiệp hoá, hiện đại hoá như một phương thức quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đổi mới, hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Các đại biểu thảo luận, phân tích sâu để làm rõ hơn các mối quan hệ: giữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá với thực hiện tăng trưởng xanh; giữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá với đô thị hoá…; cùng với các vấn đề quan trọng khác đang là đòi hỏi cấp thiết của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, như: chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất, quy hoạch ngành, vùng, xây dựng cụm liên kết ngành công nghiệp, xây dựng các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp đẳng cấp thế giới...
Nhiều đề xuất, kiến nghị về chiến lược, cơ chế chính sách để thực hiện thành công quá trình CNH, HĐH
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận từ các bộ, ngành, địa phương và các Viện nghiên cứu, trường đại học, và sự hiện diện của 300 đại biểu từ các cấp sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị về chiến lược, cơ chế, chính sách hiệu quả, giúp chúng ta thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
|
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. |
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đã xây dựng ngành công nghiệp sản xuất rất năng động trong thời gian qua, đó là động lực giúp Việt Nam chuyển đổi, phát triển kinh tế. Trong đó, Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn FDI và tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là về lĩnh vực điện tử, tiêu dùng.
Công nghiệp sản xuất Việt Nam đã chuyển đổi cơ bản trong xuất khẩu. 15 năm trước Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, giai đoạn hiện nay hơn nửa hàng hóa xuất khẩu là của ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, dù thành công nhưng quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam chưa hoàn thiện, phần lớn ngành công nghiệp cạnh tranh chủ yếu là dựa vào lương thấp và thâm dụng lao động, phụ thuộc nhiều vào vật liệu, phụ kiện nhập khẩu để gia công lắp ráp. Đây là điểm yếu về mặt cơ cấu ngành công nghiệp. Hơn nữa, công nghiệp hóa dẫn đến những tác động đến môi trường, ô nhiêm không khí, nguồn nước.
Bà Carolyn Turk cho rằng: Yêu cầu đặt ra, cần tập trung tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm nhiều hơn, tốt hơn; xây dựng cơ chế quản trị kinh tế hiệu quả hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, lao động năng lực tốt hơn đế phát triển bền vững; đồng thời với đó là việc tiếp thu khoa học, công nghệ; giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Còn PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: Quá trình thực hiện CNH, HĐH tại TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) đã đạt những kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Cụ thể đây là khu vực có lực lượng lao động dồi dào nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, riêng TP Hồ Chí Minh dân số chiếm 9,46% và lao động chiếm 8,62% so cả nước; Tổng thu ngân sách, vùng KTTĐPN đóng góp 49,99%, riêng TP Hồ Chí Minh đóng góp 24,63%. Các số liệu đó cho thấy TP Hồ Chí Minh cũng như vùng KTTĐPN có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Trong quá trình thực hiện CNH, HĐH, vùng KTTĐPN và TP Hồ Chí Minh đã tạo dấu ấn thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư xã hội; thu nhập bình quân đầu người vùng KTTĐPN cao hơn 1,2 lần, trong đó TP Hồ Chí Minh cao hơn 1,54 lần so với cả nước; năng suất lao động của vùng KTTĐPN có năng suất cao hơn gấp 1,93 lần so với cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư theo hướng giao thông kết nối, liên kết vùng…
PGS.TS Trần Hoàng Ngân thì cho rằng: Trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, việc nhận thức cơ sở lý luận và thực tiễn mới, định hướng CNH, HĐH là bước đi vô cùng quan trọng nhằm thiết kế lại các giải pháp đột phá và chính sách ưu tiên theo đuổi mục tiêu phát triển CNH, HĐH gắn với phát triển đô thị và kinh tế tri thức trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số.
|
Các đại biểu tham luận tại hội thảo. |
Từ thực tiễn của quá trình phát triển CNH, HĐH, TP Hồ Chí Minh và vùng KTTĐPN thời gian qua, để đạt mục tiêu đề ra, TP cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với mô hình siêu đô thị trên 10 triệu dân, cũng như tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng về vốn, thể chế và hạ tầng giao thông nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Đây là bệ phóng để tăng năng suất lao động, huy động và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, biến khát vọng trở thành thành phố xứng tầm khu vực Đông Nam Á, cũng như khu vực châu Á trong tương lại. Đồng thời tăng cường liên kết ngành, cụm ngành giữa các địa phương trong vùng, tận dụng thế mạnh của nhau để tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời chia sẻ các chi phí và rủi ro sức mạnh cộng hưởng của từng địa phương trong vùng KTTĐPN…
Các đại biểu cho rằng, cần phải xác định rõ chủ thể của việc thực hiện CNH, HĐH; xác định vai trò dẫn dắt vài trò đề ra đường lối, chủ trương của Nhà nước trong việc thực hiện CNH, HĐH và phải được pháp lý hóa. Bên cạnh đó việc xây dựng các văn pháp luật, văn bản pháp quy cũng cần phải hoàn thiện để huy động nguồn lực như nguồn vốn, nguồn nhân lực... để tham gia vào quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước./.