Gồng mình phòng chống dịch tả lợn châu Phi 

(Chinhphu.vn) - Để ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhập, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, trong đó có việc lập các chốt kiểm dịch động vật ngay từ các cửa ngõ quan trọng.
Các trạm kiểm dịch động vật tại cửa ngõ TPHCM phun xịt hóa chất khử trùng trước khi lợn sống được đem vào Thành phố. Ảnh: Báo Tin tức
Quảng Trị là địa phương nằm giữa 2 vùng dịch là Nghệ An và Thừa Thiên-Huế, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Đến ngày 20/3, tỉnh đã hoàn thành việc lập thêm chốt kiểm dịch động vật phía Nam trên Quốc lộ 1 A, thuộc địa phận xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, giữa điểm giáp ranh với huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi vừa xảy ra DTLCP.

Ngoài chốt kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 1 A, UBND huyện Hải Lăng cũng chủ động thành lập các chốt kiểm dịch động vật tại các xã có tuyến đường giáp ranh với huyện Phong Điền.

Trước đó, tỉnh đã khẩn cấp thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật ở phía Bắc để triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn dịch bệnh lây lan từ các tỉnh phía Bắc vào, gồm chốt tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh nằm trên Quốc lộ 1 A và chốt ở thị trấn Bến Quan, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Bình.

Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Quảng Trị là hơn 242.400 con; có gần 30 trang trại chăn nuôi nuôi lợn, trong đó có 2 trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời phục vụ phòng chống DTLCP đặt trên Quốc lộ 1A ở thị xã Điện Bàn, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) đã đi vào hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc vào Nam tiêu thụ.

Nhiệm vụ của các chốt là kiểm tra về số lượng, chủng loại, tình trạng vệ sinh thú y của xe chở lợn đi qua tỉnh. Những xe vận chuyển lợn không có giấy tờ hợp lệ, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cán bộ của chốt sẽ phun thuốc tiêu độc khử trùng và lập biên bản theo quy định.

Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Quảng Nam vào khoảng 500.000 con, chủ yếu được chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở NN&PTNT lấy mẫu xét nghiệm DTLCP đối với các loại lợn tại những vùng trọng điểm chăn nuôi, những con lợn nghi mắc bệnh và tại các cơ sở giết mổ.

Các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về đặc điểm, tính chất của DTLCP, cũng như tăng cường thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Lo ngại DTLCP tràn vào, các cơ quan chức năng của TPHCM đang căng mình chốt chặn 24/24 giờ tại cửa ngõ để ngăn nguồn thịt lợn bệnh tuồn vào thành phố.

Mỗi cửa ngõ đều có một trạm kiểm dịch động vật nằm trên tuyến quốc lộ chính. Ngoài ra, tổ công tác liên ngành gồm cán bộ thú y, cảnh sát giao thông, dân phòng, ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm… thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường có nhiều xe khách, xe du lịch lưu thông.  

Trước mối nguy DTLCP lây lan vào TPHCM, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị cần phối hợp thực hiện quyết liệt các giải pháp, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Các quận huyện nào chưa có ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thì thành lập ngay, kiện toàn lực lượng, kiểm tra thường xuyên tại các cửa ngõ, các chợ truyền thống, các lò mổ…  

Sở NN&PTNT đã yêu cầu lò mổ cam kết không nhận lợn ở phía Bắc, chỉ nhận lợn của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nên người tiêu dùng có thể yên tâm. Ngoài ra, 24 quận, huyện cũng đã tăng cường kiểm soát các lò giết mổ, tập trung kiểm soát tại các trạm đầu mối giao thông, chợ đầu mối, chợ truyền thống… nhằm đảm bảo nguồn gốc rõ ràng của mặt hàng thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng.

Đồng Nai hiện có đàn lợn hơn 2,5 triệu con, được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, do đó, tỉnh đã tập trung toàn bộ sức lực để phòng chống dịch.

Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, 2 chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20, đoạn giáp ranh giữa xã Phú Bình, huyện Tân Phú với tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra hơn 500 lượt phương tiện vận chuyển lợn với số lượng hơn 53.000 con. Việc kiểm soát tại các chốt kiểm dịch đang được lực lượng chức năng siết chặt hơn khi những ngày gần đây DTLCP có nguy cơ lây lan đến các tỉnh phía Nam. Ngoài 2 chốt kiểm dịch trên, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ giao thông quan trọng.

Các ngành chức năng cũng đã phun xịt tiêu độc, khử trùng tại các tuyến đường và khu vực dân cư. Đồng thời tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch.

Trước nguy cơ DTLCP xâm nhập vào Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đề nghị khẩn cấp thành lập ngay ban chỉ đạo phòng chống dịch ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Các sở, ngành, đoàn thể và địa phương phải chung tay phòng chống dịch bệnh, bằng việc ra quân thực hiện tiêu độc, khủ trùng trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, các ngành liên quan cần kiểm soát tốt và thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh tại các cơ sở giết mổ, chợ...

 

Lực lượng chức năng Thừa Thiên-Huế phun thuốc tại khu vực phát hiện dịch. Ảnh: Báo Thanh niên

Huy động toàn bộ lực lượng để khống chế dịch nhanh gọn, triệt để

Tính đến ngày 19/3, DTLCP đã xảy ra tại 33 hộ ở 17 thôn, 15 xã, thuộc các huyện Yên Định, Thiệu Hóa và TP. Thanh Hóa của tỉnh Thanh Hóa; buộc tiêu hủy 1.272 con lợn.

Tỉnh Thanh Hóa đã lập 5 trạm và chốt kiểm dịch cấp tỉnh. Hai huyện và TP. Thanh Hóa thành lập 52 chốt kiểm soát ra, vào vùng dịch, vùng đệm; 5 tổ, đội kiểm tra lưu động liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Đồng thời huy động gần 73.000 lít hóa chất, hơn 372 tấn vôi bột cho công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán sản phẩm của lợn, giết mổ lợn...

Các cơ quan chức năng tăng cường lấy mẫu giám sát, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch chủ động; duy trì nghiêm túc chế độ thường trực kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm hiệu quả hoạt động của 188 trạm, chốt kiểm dịch, tổ kiểm soát lưu động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã cấp phát 150.000 tờ rơi để cộng đồng nắm chắc, hiểu rõ tác hại cùng biện pháp phòng, chống dịch.

Sau khi DTLCP xuất hiện tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), nhận định dịch bệnh có thể lây lan diện rộng, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập ngay các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn huyện, xã, thôn có dịch; bố trí các lực liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn.

Đồng thời vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch hằng ngày và tiêu độc các phương tiện vận chuyển, con người ra vào khu vực có dịch. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh, báo cáo thông tin nhanh cho ban chỉ đạo chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cấp huyện để xử lý dập tắt dịch kịp thời.

Đối với các địa phương chưa có dịch bệnh, UBND tỉnh yêu cầu nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết... thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.

Các chốt kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông, đặc biệt các chốt kiểm dịch trên trục đường giao thông từ phía Bắc vào Nam tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết... thì lấy mẫu xét nghiệm để xử lý theo quy trình.

Chi Mai (tổng hợp)

323 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 986
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 986
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76831958