Đây là nội dung tại Tờ trình ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) gửi Chính phủ.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ
Tại Tờ trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành gồm: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
|
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tiền hỗ trợ cho người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19. (Ảnh: Mạnh Dũng) |
Sau quá trình thảo luận và thống nhất ý kiến của các bộ, ngành tại cuộc họp, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nội dung được các bộ, ngành thống nhất là mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại “cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.”
Ngoài ra, đề nghị nới rộng thời điểm tính hỗ trợ: “Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/2/2020 và không quá 3 tháng.” Quy định hiện hành tính từ ngày 1/4.
Theo lý giải, qua quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương, trong thực tế có nhiều trường hợp kiến nghị về việc bị ảnh hưởng bởi dịch nên đã bị tạm hoãn làm việc từ trước thời điểm 1/4 (ví dụ từ đầu tháng 2 và kéo dài liên tục sang tháng 4, tháng 5, tháng 6). Nếu theo quy định thì các đối tượng này không được hưởng chính sách hỗ trợ do thời điểm tạm hoãn từ trước ngày 1/4 mặc dù trong thực tiễn đây chính là những đối tượng xứng đáng được hưởng nhất do đã phải bắt đầu tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1/2.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19 tại khoản 2 Điều 1 quy định “Thời gian xảy ra dịch: từ ngày 23/1 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Do vậy, việc quy định nới rộng thời điểm bắt đầu tạm hoãn từ 1/2 là phù hợp với thực tế và tránh thiệt thòi cho các đối tượng có thời gian tạm hoãn kéo dài từ trước 1/4 tới tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Việc tính thời gian hỗ trợ vẫn không quá 3 tháng.
Kéo dài thời gian ngừng việc được hỗ trợ
Về điều kiện cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động.”
Thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ được kéo dài từ "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020" thành "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020" để tiếp tục hỗ trợ cho người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lược bỏ nội dung "để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc" bởi trong thực tiễn quy định này làm phát sinh thủ tục trong quá trình giải ngân của ngân hàng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc linh hoạt các nguồn kinh phí để trả lương ngừng việc nhằm giữ chân người lao động.
Điều kiện khó khăn về tài chính cũng được quy định: “Người sử dụng lao động có doanh thu quý 1 năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý 4 năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019" nhằm cụ thể hóa tiêu chí xét duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong quá trình sửa đổi chính sách đối với lao động ngừng việc, có ý kiến đề xuất Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, sửa đổi nội dung theo hướng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động từ 14 ngày trở lên. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động toàn diện tới nền kinh tế, các doanh nghiệp thuộc đủ mọi thành phần, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, việc bố trí đảo cả, giãn ca, ngừng việc một phần, nghỉ ngắn ngày theo thỏa thuận hai bên được áp dụng tương đối phổ biến. Do vậy, việc theo dõi, xác định các trường hợp lao động tạm hoãn hợp đồng ngắn ngày để thực hiện hỗ trợ sẽ có thể gặp nhiều khó khăn khi thi hành trong thực tiễn có thể phát sinh ra tranh chấp, khiếu nại về sau. Bên cạnh đó, nguyên tắc của Nghị quyết số 42/NQ-CP là hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Do vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên điều kiện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên để hỗ trợ đúng nguyên tắc được quy định tại nghị quyết./.