Gỡ vướng tiến độ Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị nhà đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 khẳng định tiến độ lập công ty BOT, thời gian tiếp tục xây dựng dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng...

Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 (gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.320 MW và tổng mức đầu tư khoảng 55.093 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh Quảng Trị và chủ đầu tư là Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) tiến hành khởi công tại Trung tâm Điện lực Quảng Trị (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng). Dự án được Chính phủ phê duyệt trong Danh mục dự án nguồn điện đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2025, trong đó tổ máy 1 dự kiến đưa vào vận hành năm 2023 và tổ máy 2 vào năm 2024.

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, UBND tỉnh này vừa có cuộc đàm phán trực tuyến với EGATi để thảo luận tiến độ thực hiện Dự án. Lãnh đạo tỉnh đề nghị nhà đầu tư khẳng định tiến độ thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, thời gian tiếp tục xây dựng dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất những kiến nghị để tỉnh Quảng Trị cùng tháo gỡ nhằm triển khai dự án thuận lợi.

“Dự án được đánh giá là đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ trên siêu tới hạn tiên tiến có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, từ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu than, giảm lượng bụi, khí thải và tro xỉ, đảm bảo an toàn môi trường theo QCVN 05:2013/BTNMT”, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nói.

Lãnh đạo tỉnh này cũng khẳng định, ngay từ thời điểm địa phương gặp khó khăn về thu hút đầu tư và chưa có những dự án chủ lực để nâng cao cực tăng trưởng, thì Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, Hành lang kinh tế Đông - Tây và cả nước nói chung. Đồng thời, đây cũng là dự án quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế và tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Thái Lan.

Theo đại diện Bộ Công thương, EGATi đã có những nỗ lực nhất định trong thực hiện Dự án, nhưng có nhiều nguyên nhân khách quan khiến tiến độ thực hiện chưa đạt như mong muốn, nhất là vướng mắc 6 điểm liên quan đến hợp đồng BOT. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là nhà đầu tư chưa hoàn thành đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương, chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, chưa thống nhất giá bán điện.

Trong khi đó, từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực, việc đàm phán hợp đồng BOT có thể phải thực hiện lại từ đầu.

Qua cuộc đàm phán vừa rồi, phía EGATi bày tỏ mong muốn được ký kết tắt hợp đồng trong khi chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương khẳng định, việc này không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Nếu EGATi không thành lập được công ty BOT trong năm nay, mà năm sau mới thực hiện, thì phải áp dụng Luật PPP đối với dự án này.

Ông Lê Đức Tiến cũng cho rằng, kế hoạch thực hiện Dự án mà EGATi đặt ra là chưa có cơ sở khi chưa hoàn tất đàm phám hợp đồng BOT. Nhà đầu tư cần nghiên cứu sớm Luật PPP, cũng như các dự thảo nghị định đã lấy ý kiến các bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam để xác định các nội dung đã đàm phán trước đây, điều chỉnh tiến độ thực hiện.

“Quảng Trị quyết tâm thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án trong thời gian tới và sẵn sàng phối hợp cùng nhà đầu tư làm việc với Bộ Công thương để hoàn thành sớm các nội dung mang tính quyết định trong hợp đồng BOT. Đề nghị EGATi cố gắng đăng ký lịch đàm phán trong tháng 12/2020 trước khi Luật PPP có hiệu lực. Công ty cần trình bộ hồ sơ thay đổi các thành viên tham gia đầu tư Dự án, thúc đẩy quá trình thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, hạn cuối là tháng 6/2021”, ông Tiến bày tỏ.

(Báo Đầu Tư)

1549 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1033
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1033
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006340