Gỡ vướng mắc thể chế, phát huy nguồn lực tài nguyên 

(Chinhphu.vn) - Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu… là những mục tiêu cụ thể ngành tài nguyên và môi trường tập trung đánh giá tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 tổ chức sáng 31/12.


 

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 5 trọng tâm ưu tiên của ngành TNMT trong năm 2022. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phát huy nguồn lực tài nguyên

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch COVID-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.

“Chính vì vậy, chưa bao giờ môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các cấp, từ Liên Hợp Quốc cho đến nguyên thủ quốc gia các nước như trong năm 2021”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Bộ trưởng cho rằng, giải quyết, chuyển hóa các thách thức an ninh phi truyền thống về môi trường, khí hậu đã trở thành những chủ đề được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tham gia thảo luận tích cực cùng với nguyên thủ quốc gia tại các diễn đàn, hội nghị toàn cầu. “Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí methan, tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng về môi trường và khí hậu tại COP26. Vì vậy, hai tiếng ‘Việt Nam’ đã được các nhà lãnh đạo thế giới nhắc đi, nhắc lại nhiều lần tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế; cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự tham gia chủ động, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, trong năm 2021, ngành TNMT đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên trong phát triển kinh tế-xã hội. Các nút thắt về quỹ đất đai được giải quyết, vướng mắc về nguyên liệu khoáng sản cho sản xuất từng bước được tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các dự án hạ tầng quan trọng, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng; bảo vệ nguồn nước, phòng chống hạn hán.

Nguồn thu ngân sách từ đất đai đạt gần 15,2% ngân sách nội địa, nguồn thu từ khoáng sản đạt 4.589 tỷ đồng, thu từ tài nguyên nước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng. Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy với 95% số thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn. 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính giúp cắt giảm thời gian chi phí tuân thủ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngành TNMT đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỉ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 89%). Các mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp được triển khai ở nhiều địa phương; 80% cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát vận hành, đóng góp cho tăng trưởng.

Nhìn thẳng vào những thách thức

Báo cáo tổng kết của Bộ TN&MT đã nhìn nhận thẳng thắn những thách thức vẫn còn tồn tại.

Cụ thể, tình trạng mâu  thuẫn,  chồng  chéo, không  thống  nhất, không đồng  bộ giữa pháp luật về quản lý tài nguyên với các pháp luật khác. Một số quy định chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn, chưa đủ rõ nên gây khó khăn cho tổ chức thực hiện ở địa phương và làm giảm hiệu lực, hiệu quả quy định của pháp luật, công tác quản lý.

Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí tài nguyên, như đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tài nguyên khoáng sản còn bị khai thác trái phép, chưa được chế biến sâu để mang lại hiệu quả kinh tế cao; tài nguyên nước còn sử dụng lãng phí, hiệu quả sử dụng tài nguyên nước còn thấp so với các nước trong khu vực nhất là trong nông nghiệp.

Mặt khác, thách thức về an ninh nguồn nước đang là vấn đề lớn trong bối cảnh lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310-315 tỷ m3/năm), nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng nhanh. Nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ xảy ra thường xuyên hơn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất ở nhiều vùng, nhiều địa phương.

Bộ TN&MT nhận định, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu phải thực hiện các cam kết về môi trường, do đó cần có lộ trình để nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; lộ trình chuyển đổi công nghệ các cơ sở sản xuất lạc hậu gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Sự gia tăng của chất thải, khí thải, nước thải áp lực lớn lên vấn đề môi trường sẽ chưa giảm trong thời gian ngắn.

Đặc biệt, một trong những thách thức rất lớn là biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến nhanh; các tác động dài hạn đã được dự báo, nhận diện, nhưng những tác động ngắn hạn là khó lường, khó dự báo. Tuy nhiên, để thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Để giảm phát thải khí nhà kính đến 27% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường, Việt Nam cần bổ sung vốn đầu tư ban đầu khoảng 68,8 tỷ USD. Để thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng cần thêm khoảng 35 tỷ USD, trong đó có các khu vực nhạy cảm, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Phát triển năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm ưu tiên của ngành TNMT trong năm 2022

5 trọng tâm ưu tiên thực hiện trong năm 2022

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành quán triệt sâu sắc phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả” trong năm 2022, ưu tiên thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu, như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ carbon, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.

Hai là, cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên. Tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư cho tương lai bền vững.

Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, đi đôi với tạo lập môi trường đổi mới sáng tạo.

Bốn là, chủ động, tích cực trong ngoại giao môi trường, tài nguyên, khí hậu; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản trị tài nguyên và môi trường. 

Năm là, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; triển khai các giải pháp đột phá nhằm tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đón đầu dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng

Ngành TNMT cũng đặt quyết tâm chủ động vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội, xác định các khâu đột phá để tăng tốc phát triển. Trong đó, tập trung vào đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng, trình Quốc hội Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước sửa đổi; tiếp tục tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội.

Thu Cúc

519 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 843
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 843
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77381428