Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: MP)
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại Hội thảo “Quản lý cho vay lại cho chính quyền địa phương” do Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD ) tổ chức hôm nay (21/6) tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đánh giá lại việc thực hiện cơ chế cho vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cho chính quyền địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương đã được thực hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ sau khi Luật Quản lý nợ công năm 2009 được Quốc hội ban hành, đã có nhiều địa phương tham gia thực hiện cơ chế này.
Nhờ cơ chế này, nhiều chương trình dự án đã phát huy kết quả tốt, sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo khả năng trả nợ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng có một số chương trình, dự án có khó khăn do nguồn thu ngân sách ở địa phương tương đối nhỏ, hạn mức vốn vay không được nhiều, mặt khác trình tự thủ tục vẫn còn phức tạp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý.
“Việc thực hiện cơ chế hỗn hợp một phần cấp phát, một phần cho vay lại, nên việc giải ngân phụ thuộc bởi kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán cấp vốn đầu tư hàng năm, vì vậy có ảnh hưởng tới việc cho vay lại”, Thứ trưởng nhận định.
Một trong những nguyên nhân khiến một số việc chưa hiệu quả là tổ chức quản lý của các địa phương, chưa có đầu mối trong việc quản lý, trong khi đó, việc huy động nhiều cơ quan tham gia như Sở Kế hoạch và Đầu tư , Sở Tài chính, Ban quản lý Dự án . Một số vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng là trình tự thủ tục trong việc thẩm định , ký hợp đồng cho vay lại , phối kết hợp với nhà tài vợ trong việc giải ngân vốn .
Theo Bộ Tài chính, về khả năng vay nợ của các địa phương quy định rõ Hà Nội không vượt quá 70%, TP. Hồ Chí Minh không vượt quá 90%, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ không vượt quá 40 quá 30% số thu ngân sách địa phương . Các địa phương có số thu ngân sách địa phương nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách địa phương.
Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Tuấn, Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết, hạn mức dư nợ vay năm 2019 của tỉnh là 1.030 tỷ đồng. Tính đến 31/5/2019, dư nợ vay của tỉnh là 474 tỷ đồng chưa vượt hạn mức dư nợ vay năm. Trong số đó,vay từ ngân hàng VDB, ODA để hực hiện các chương trình kiên cố kênh mương, phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn, dự án năng lượng nông thôn 2 (REII và REII mở rộng).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn còn một số tồn tại như một số dự án đã được ký kết nhưng đến nay vẫn chưa được giao kế hoạch vốn nguồn cấp phát để triển khai thực hiện. Việc giao kế hoạch vốn chậm sẽ dẫn đến tiếp tục tình trạng không giải ngân được do thủ tục kéo dài. Các dự án này đã được Bộ Tài chính giao dự toán nguồn vốn vay lại nhưng không thể giải ngân vì không được giao kế hoạch vốn cấp phát
Do đó, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng cần sớm xây dựng công cụ hỗ trợ việc quản lý vốn vay và trả nợ thống nhất trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đề nghị ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thống nhất đồng thời giao nguồn cấp phát và nguồn vay lại để việc giải ngân được đúng tiến độ theo quy định của Hiệp định. Ngoài ra, đại diện tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu quy trình rút gọn thời gian quá trình rút vốn từ nhà tài trợ, giải ngân cho các dự án .
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; mặt khác, Bộ Tài chính mong rằng các nhà tài trợ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để hài hòa hóa các thủ tục, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện chương trình/dự án, song vẫn phải đảm bảo công tác quản lý./.
MP