Gỡ vướng để hiện thực hoá việc thanh toán dịch vụ công qua NH 

(Chinhphu.vn) – Thời gian tới, cần truyền thông phổ biến kiến thức tài chính, ngân hàng của NHNN hướng đến người dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ ngân hàng tốt hơn. Đồng thời cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng để triển khai thanh toán dịch vụ công trực tuyến hiệu quả thực hiện mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Đây là một nội dung tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” do NHNN và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức ngày 24/8 tại Hà Nội.

 

Dịch vụ thanh toán được mở rộng nhưng chưa như kỳ vọng

 

 

Các đại biểu chủ trì tại Hội thảo.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thanh toán dịch vụ công; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.

 

Hiện có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc và triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học.

 

Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội. 

 

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng cho biết tỉ lệ doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh: Từ 64,35% (2015) lên 83,57% số KH năm 2017. Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm, tỉ lệ thu tại quầy Điện lực và thu qua các dịch vụ bán lẻ giảm mạnh. EVN đặt mục tiêu giảm dần, tiến đến chấm dứt hình thức thu tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia cho rằng việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. 

 

Theo NHNN, giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí  dịch vụ công còn hạn chế. 

 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, sở dĩ có những hạn chế trên là do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo. Hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Bên cạnh đó là tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng và thói quen dùng tiền mặt của người dân.

 

Còn ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng, có một số đối tượng khách hàng cao tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ hiện đại; số lượng máy ATM chưa nhiều, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý người hưởng gặp khó khăn, như không nắm được đầy đủ thông tin người hưởng, báo giảm chưa kịp thời, thu hồi số tiền chi trả rất khó khăn.

 

Đại diện ngân hàng thương mại trực tiếp làm dịch vụ, bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Marketing VietinBank đã nêu một số trở ngại mà ngân hàng đối mặt, trong đó có vấn đề cơ chế và văn bản pháp lý. Đơn cử, khi ngân hàng kết hợp thu tiền mặt trong bệnh viện, mỗi bệnh nhân đều có thẻ để thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định phát hành thẻ, chỉ quy định mối quan hệ giữa ngân hàng phát hành thẻ và bệnh nhân; không quy định đơn vị trung gian phối hợp là bệnh viện nên khi triển khai ở bệnh viện nào, ngân hàng lại phải có một quầy giao dịch tại đó.

 

“Khi hệ thống đã xây rồi, ngân hàng sẵn sàng miễn phí 3-6 tháng, thậm chí tặng tiền, ví như hoá đơn 100.000 nhưng ngân hàng tặng thêm 20.000 để người dân quen với việc đó nhưng chỉ mình ngân hàng đơn thương độc mã thì không thể duy trì mãi”, bà Trần Thị Hồng Anh nói.

 

Đồng bộ hoá hạ tầng, tuyên truyền đa dạng

 

Để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt trong dịp lễ tết qua ATM, tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận.

 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

 

“Cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi thói quen người tiêu dùng, bà Lê Thuý Sen, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho rằng, truyền thông phổ biến kiến thức tài chính là vấn đề được các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam rất quan tâm. Trong thời gian tới, các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức tài chính, ngân hàng của NHNN hướng đến người dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng do thiếu thông tin, tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng xã hội.

Về cơ chế pháp lý, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, NHNN đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán.

 

“NHNN sẽ nỗ lực kết nối mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

 

Đại diện VietinBank cho rằng, các địa phương trên cả nước chưa đồng bộ về dữ liệu, hạ tầng kết nối thanh toán với ngân hàng. Mỗi tỉnh, thành phố có một hệ thống riêng, chưa kể, nhiều công ty ở mỗi tỉnh, thành phố lại còn hệ thống riêng nên việc kết nối với ngân hàng vô cùng khó khăn, dẫn tới mã số thanh toán trong một địa phương không thống nhất.

 

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc thu viện phí bằng tiền mặt tập trung chủ yếu ở các viện Trung ương và hiện nay đã có 5-6 ngân hàng hợp tác với 50 bệnh viện để thu viện phí qua ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng mới chỉ thu hộ và một số ít bệnh viện có phát hành thẻ thanh toán, người dân phải mang tiền nộp vào rồi đi khám nên vẫn là dùng tiền mặt. 

 

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong khi đầu tư của Nhà nước cho các bệnh viện rất thấp.

 

“Cần cho phép gửi tiền viện phí, tiền bảo hiểm y tế vào ngân hàng để các bệnh viện có thể chủ động hơn trong việc thu chi đồng thời các ngân hàng cũng cần đồng bộ hệ thống để người dân tiện lợi hơn trong quá trình thanh toán bởi người dân không chỉ khám 1 viện”, ông Nguyễn Nam Liêm kiến nghị.

 

Đại diện một đơn vị trung gian thanh toán, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, NAPAS đang phối hợp cùng các ngân hàng trực tuyến, các đơn vị hành chính công xây dựng hạ tầng để người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng thanh toán trực tuyến qua mạng Internet, thanh toán trên ứng dụng chạy trên điện thoại thông minh.

 

Từ hạ tầng này, người dân có thể thanh toán qua kênh giao dịch của các ngân hàng, thanh toán qua kênh giao dịch tiền gửi thanh toán trong các năm tới.

 

“NAPAS triển khai hệ thống mới để hỗ trợ triển khai dịch vụ công bằng nhiều hình thức thanh toán mới mẻ, hiện đại và tiện lợi hơn với mức chi phí thấp hơn”, ông Hùng nói.

 

Trao đổi với các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Kim Anh Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (gọi tắt là Đề án 241) với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; phấn đấu đến năm 2020.

 

NHNN sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để thực hiện tốt hơn chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Bệnh viện...), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.

 

Huy Thắng

603 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1022
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1022
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87120336