|
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Ngày 13/12, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, trong thời gian qua, nhiều đổi mới của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã thực sự giảm bớt gánh nặng đối với các doanh nghiệp như việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động của Ngành; triển khai cơ chế tự động hải quan, cơ chế liên thông với các cơ quan trong bộ máy hành chính, qua đó đẩy mạnh quá trình đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, nguồn lực, kiểm soát có hiệu quả các quy trình, tạo cơ sở để doanh nghiệp hoàn thành tốt các quy trình thủ tục, giảm chi phí và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước...
Nhiều hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ trong lĩnh vực thuế, hải quan đã lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan. Các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến theo các hình thức khác nhau cũng đã được triển khai, kể cả trên truyền hình, các hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp theo chuyên đề, theo các cấp khác nhau trong hệ thống quản lý, tiếp tục thể hiện sự cầu thị và tư duy đổi mới trong hoạt động.
Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, về hóa đơn điện tử, về qui định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, vấn đề đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp khi xử lý chậm nộp thuế, một số quy định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho doanh nghiệp, không theo từng công trình...
Trong lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa, về cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất...
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có một số đề xuất chung khác liên quan đến việc rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2024; xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới; tăng cường các biện pháp phi thuế quan; về cơ chế liên thông giữa ngành Thuế - Hải quan với các cơ quan hành chính...
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ Tài chính đã giới thiệu những nội dung, kết quả chủ yếu về công tác trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian vừa qua.
Theo đó, trong lĩnh vực thuế phải kể đến như: Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu, mỡ nhờn; Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị định số 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách giảm thuế GTGT; Nghị quyết được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu...
Trong lĩnh vực hải quan, từ đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, có ý kiến tham gia trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ban hành các Luật, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính để hoàn thiện thể chế về hải quan. Nổi bật như: Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hoá về mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu; các Biểu thuế về xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi; Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về xuất sứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; các quy định về khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ với hàng hoá xuất khẩu…
Có thể thấy, chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị luôn quan tâm và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp; xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.
Với các quy định mới trong lĩnh vực Thuế và Hải quan được tóm lược tại Hội nghị này, các doanh nghiệp có điều kiện lắng nghe trực tiếp và cụ thể hơn, cũng như có trao đổi để hiểu sâu hơn, giúp cho doanh nghiệp mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu những vướng mắc liên quan đến những nội dung như: hoàn thuế giá trị gia tăng, hạch toán thuế, hoá đơn điện tử… Những vướng mắc của doanh nghiệp đã được ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giải đáp cụ thể.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển. Đồng thời, tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế-xã hội của Đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay./.