Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Theo Bộ Công Thương, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD/năm. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước; nhưng thị phần mới chỉ chiếm khoảng 2%. Con số này cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ so với những tiềm năng mà thị trường này đem lại.

Dự báo của Bộ Công Thương cho hay, khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.

Dù vậy, theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về thuế suất, các doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Cụ thể, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là điểm yếu của ngành dệt may trong nước do phần lớn nguyên phụ liệu đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và cũng không phải là quốc gia đã ký kết thương mại tự do (FTA) với EU.

Để tìm kiếm cơ hội vào EU, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà nhập khẩu.

Ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu vào EU tăng từ 30-50% vài năm tới. Công ty đã xây dựng một nhà máy nhuộm vải, mỗi năm có thể cung ứng số lượng vải đủ cho nhu cầu sản xuất của công ty và lâu dài hơn, dự kiến sẽ xúc tiến mở thêm một nhà máy nữa tại khu vực miền Tây để có thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất.

Cũng theo các chuyên gia, để giải bài toán xuất xứ cho ngành dệt may trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm ban hành Quy hoạch phát triển ngành tới năm 2040 gồm cả dệt may và da giày. Quy hoạch phải đặt trọng tâm vào việc xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.

Ngoài ra, những vấn đề về chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu còn nhiều bất cập cũng cần sự điều chỉnh của Nhà nước để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp./.

 
A.N