Gỡ 'điểm nghẽn' trong xuất khẩu lao động 

(Chinhphu.vn) – Tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn chưa giảm nhất là tại thị trường Hàn Quốc, công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động còn nhiều vấn đề… là những “điểm nghẽn” cần khắc phục trong thời gian tới.
XKLĐ 6 tháng đầu năm tăng trưởng ở các thị trường truyền thống. Ảnh minh họa

Đó là những thực trạng được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ra và yêu cầu tìm cách khắc phục tại buổi làm việc với Cục Quản lý Lao động ngoài nước về tình hình thực hiện công tác xuất khẩu lao động trong 6 tháng đầu năm 2018 sáng 5/7.

Tiếp tục tăng trưởng ở các thị trường truyền thống

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 60.806 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 21.900 lao động nữ), đạt 55,1% kế hoạch năm 2018, bằng 106% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số thị trường chính mà lao động Việt Nam hướng tới là: Đài Loan với 30.882 người, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên 213.000 lao động, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng). Nhật Bản hiện có 126.000 lao động, Hàn Quốc 38.000 lao động với mức thu nhập khoảng 26 triệu đồng/tháng, Arab Sau di có khoảng 9.000 lao động mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng…

Đến nay, cả nước có 335 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 14 doanh nghiệp Nhà nước, 256 công ty cổ phần, 65 công ty TNHH; các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở Hà Nội (chiếm 60%), TPHCM (20%) và 20% tại các địa phương khác.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã trình Bộ cấp mới 20 giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện tại, Cục đã nhận hồ sơ đề nghị đổi giấy phép của gần 80 doanh nghiệp. Qua theo dõi, quy mô và trách nhiệm hoạt động của các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, có một số doanh nghiệp đưa được trên 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Khắc phục các “điểm nghẽn”

Theo Thứ trưởng, kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Doãn Mậu Diệp, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ song công tác xuất khẩu lao động vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn chưa giảm nhất là tại thị trường Hàn Quốc.

“Để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đưa được 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Nhật Bản về Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về các điều kiện đối với các doanh nghiệp tham gia phái cử thực tập sinh hộ lý của Nhật Bản…”.

Về công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, trong 6 tháng, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra tại 7 doanh nghiệp, trong đó thanh tra đột xuất 1 doanh nghiệp. Bộ đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với tổng số tiền là 550 triệu đồng và thu hồi 1 giấy phép của 1 doanh nghiệp. Cục đã xây dựng kế hoạch và thành lập hội đồng thanh tra để thực hiện thanh tra định kỳ tại 30 doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm.

Ông Tống Hải Nam cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý Lao động ngoài nước sẽ hoàn thiện và trình Bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, như: hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1465/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; trình Chính phủ ban hành Quyết định về tín dụng ưu đãi đối với người lao động tại huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Những văn bản quy phạm pháp luật này sẽ giúp công tác quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Kết quả công tác xuất khẩu đạt khá tốt nhìn từ bức tranh tổng thể, nhưng việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa có chuyển biến thực chất. Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước cần thực hiện các giải pháp cụ thể để khắc phục các “điểm nghẽn” trong quản lý xuất khẩu lao động. Cần thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn. Yêu cầu doanh nghiệp khi đi tìm kiếm người lao động tại địa phương phải công khai mức thu phí của từng địa bàn (môi giới bao nhiêu, lệ phí như thế nào, người lao động phải đóng góp bao nhiêu…). Đồng thời, Bộ LĐTBXH thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp không đảm bảo duy trì điều kiện tối thiểu để được hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, những doanh nghiệp vi phạm đến mức phải xử lý thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật./.

Thu Cúc

331 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1283
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1283
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76192431