Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: HT)

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.

Cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn

Phóng viên (PV): Đến thời điểm này, với sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, các ngành và địa phương, công tác giải ngân vốn ĐTC đã có nhiều chuyển biến tích cực, song dường như vẫn chưa thể thoát khỏi vòng quay chậm chạp vốn có. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Công tác giải ngân vốn ĐTC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chỉ đạo rất sát sao trong thời gian vừa qua. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC, vừa qua, Chính phủ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm mục tiêu phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn ĐTC nguồn NSNN đã được giao.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân 03 tháng đầu năm 2023 còn thấp (theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đến ngày 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, chỉ mới đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Việc chậm giải ngân vốn ĐTC còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tập trung ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý dự án (DA) đầu tư, trong đó có khó khăn, vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với dự án (DA) ĐTC. Cụ thể như: Dự án sau khi được giao vốn (trung hạn và hàng năm) cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư mới bắt đầu thực hiện các bước lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. Khi xong thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt xong DA) mới thông báo vốn để thực hiện DA, triển khai các bước tiếp theo như lập thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu... quy trình này phải thực hiện qua nhiều bước với nhiều khâu thẩm định, nên từ khi DA bắt đầu bước thủ tục đến khi giải ngân được thường mất từ 6 tháng đến 1 năm, đối với DA nhóm A có thể tới 2 năm.

Thêm nữa, các DA đầu tư xây dựng thường gắn với giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, công tác đền bù, GPMB được thực hiện đồng thời với quy trình thực hiện DA, vì vậy, nhiều trường hợp DA đã đấu thầu xong nhưng chưa có mặt bằng để thi công.

Hơn thế, năm 2021, 2022 là các năm đầu kế hoạch trung hạn 2021-2025, lượng DA khởi công mới lớn, đặc biệt việc triển khai nhiều các DA quan trọng quốc gia dẫn đến một số thời điểm thiếu vật liệu, đất, đá, cát sỏi; giá cả nguyên vật liệu biến động lớn mà chưa có đơn giá điều chỉnh kịp thời cũng là rào cản đối với thực hiện và giải ngân các DA.

Ngoài ra, với mục tiêu phục hồi sau COVID-19, công tác giải ngân vốn ĐTC hai năm trở lại đây gặp phải thách thức do tổng vốn ĐTC hàng năm rất lớn (kế hoạch đầu tư nguồn NSNN năm 2023 là gần 726.684 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Vì vậy, mặc dù giá trị tuyệt đối về giải ngân năm 2021 và năm 2022 đều cao hơn so với các năm trước, tuy nhiên về tỷ lệ so với tổng kế hoạch giao thì vẫn thấp hơn. Trước những khó khăn và thách thức như vậy, nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tháo gỡ các nút thắt về cơ chế chính sách, do vậy năm 2023 dự kiến công tác giải ngân vốn ĐTC sẽ có những bước tiến mạnh hơn so các năm trước.

PV: Theo Bộ trưởng, đâu là những rào cản thật sự, cản trở dòng vốn ĐTC chảy vào nền kinh tế?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Năm 2022, tại báo cáo của Chính phủ số 419/BC-CP ngày 16/10/2022 báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch ĐTC năm 2022 và dự kiến kế hoạch ĐTC năm 2023, Chính phủ đã đánh giá, nhận định các vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau làm chậm tiến độ giải ngân vốn ĐTC, trong đó đặc biệt là các vấn đề sau:

Về thể chế, cơ chế chính sách: Toàn bộ quá trình thực hiện và giải ngân vốn ĐTC chịu sự quy định của pháp luật của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan, quy định thủ tục còn rườm rà và kéo dài thời gian, nhiều khâu thực hiện, trong đó khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tài nguyên môi trường. Về tổ chức triển khai thực hiện, tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư chưa đảm bảo, còn chưa sát khả năng thực hiện dẫn đến chậm các khâu tiếp theo; năng lực nhà thầu còn chậm; năng lực cơ quan quản lý DA còn hạn chế...

Mặt khác, sự biến động tăng cao của giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp động trọn gói thi công cầm chừng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường.

PV: Có quan điểm cho rằng, để “khơi thông” dòng vốn ĐTC, tạo động lực thật sự cho phát triển kinh tế-xã hội, không thể chỉ quan tâm giải quyết vướng mắc trước mắt, mà cần có giải pháp căn cơ, lâu dài. Bộ trưởng có nhận định gì về quan điểm này?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Tôi cho rằng quan điểm trên là đúng!

Trong quy định hiện nay, để khơi thông dòng vốn ĐTC, cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài là sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc chẳng hạn như tách phần GPMB triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập DA, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới (như thẩm định thiết kế cơ sở,...).

Chủ động chuẩn bị đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kế hoạch năm

PV: Trên cương vị trưởng ngành Tài chính, Bộ trưởng có thể cho biết, ngành Tài chính nói chung và Kho bạc Nhà nước (KBNN) nói riêng đã có những động thái như thế nào trong việc góp phần “giải quyết căn cơ, lâu dài” của công tác giải ngân ĐTC?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Về phía Bộ Tài chính, với chức năng quản lý, thanh toán vốn ĐTC theo quy định của Luật NSNN, Luật ĐTC, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân dòng vốn này như sau: Về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC. Theo đó, cơ quan kiểm soát thanh toán vốn ĐTC thực hiện thanh toán theo quy trình “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Đồng thời, thời gian kiểm soát chi hiện nay đã được rút ngắn xuống chỉ từ 01 - 03 ngày làm việc.

Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để đánh giá các vướng mắc về cơ chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện hệ thống pháp luật về ĐTC. Đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn NSNN đáp ứng tiến độ của các DA đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch ĐTC trung hạn. Thực hiện kịp thời công tác nhận xét, kiểm tra phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN hàng năm theo quy định của Luật NSNN và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP để nhập hoặc phê duyệt dự toán ngay cho các DA đủ điều kiện.

Ngoài ra, qua công tác kiểm tra phân bổ, Bộ Tài chính đã có ý kiến đối với các nội dung phân bổ chưa đúng quy định, chưa đủ điều kiện kiểm soát giải ngân của các Bộ, cơ quan trung ương như: Bố trí vốn cho các DA khởi công mới chưa đủ điều kiện, phân bổ chưa đúng ngành, lĩnh vực theo quy định, bố trí vốn cho các DA chuyển tiếp đã quá thời gian bố trí vốn… Trên cơ sở đó, các Bộ, cơ quan trung ương có sơ sở để hoàn thiện công tác phân bổ theo đúng quy định...

Về kiểm soát thanh toán vốn, hiện nay, đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Đồng thời, đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục giải ngân vốn ĐTC nguồn NSNN. Theo báo cáo của KBNN, đến nay, đã đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến KBNN; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99,6%. Ngoài ra, về phía cơ quan kiểm soát thanh toán KBNN cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các DA.

PV: Cụ thể, trong phạm vi quản lý của mình, ngành Tài chính sẽ phải làm gì để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho công tác giải ngân vốn ĐTC năm 2023, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Hiện nay, kế hoạch đầu tư nguồn NSNN năm 2023 đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 với số vốn kỷ lục 726.684,344 tỷ đồng, tăng 23% về quy mô vốn đầu tư công so với năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1513/QĐ-TTG giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2023. Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, áp lực giải ngân các DA năm 2023 là rất lớn.

Để hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề ra cho công tác giải ngân vốn ĐTC năm 2023, về phía Bộ Tài chính đã chủ động chuẩn bị đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kế hoạch năm. Minh bạch và đơn giản hóa thủ tục thanh toán vốn, rút ngắn thời gian tạm ứng, thanh toán xuống chỉ từ 01 - 03 ngày làm việc. Đồng thời, Bộ cũng đã quyết liệt chỉ đạo KBNN đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán. Hằng tháng, kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành và Tổ công tác của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tổng hợp, báo cáo rõ các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào việc rà soát các vướng mắc về thể chế, chính sách về quản lý ĐTC và NSNN nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung trên quan điểm phân cấp mạnh mẽ hơn, thông thoáng hơn, giảm các tầng nấc quản lý cấp trên.

PV: Trên thực tế, có khá nhiều DA dù có tiền nhưng lại không triển khai được, có DA sau khi bố trí được nguồn mới bắt tay vào lập DA đầu tư và phải sau rất nhiều thời gian mới giải ngân được. Theo Bộ trưởng, cần phải làm gì để khắc phục những vướng mắc, hạn chế của các DA này?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Hiện nay, do quy định của pháp luật về ĐTC dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc gây chậm trễ trong triển khai các DA sử dụng vốn ĐTC như: DA khi được giao vốn nhiệm vụ đầu tư mới bắt đầu thực hiện chuẩn bị đầu tư, quy trình này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, đối với DA nhóm A có thể tới 2 năm mới được phê duyệt Quyết định đầu tư, và khi xong thủ tục phê duyệt DA mới được thông báo vốn để thực hiện DA. DA đã có Quyết định đầu tư, được giao vốn thực hiện DA mới bắt đầu lập dự toán, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Công tác đền bù, GPMB được quy định trong DA nên dẫn đến trường hợp DA đã đấu thầu xong nhưng lại chưa có mặt bằng để thi công...

Trước những bất cập trên, giải pháp cần tính đến là tạo thuận lợi tối đa cho công tác chuẩn bị đầu tư, công tác GPMB. Do vậy, để xử lý bất cập trên cần báo cáo Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan để quy định thông thoáng theo hướng bên cạnh nguồn vốn ĐTC bố trí trong kế hoạch trung hạn và hàng năm thì cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư. Tách GPMB ra khỏi DA, thực hiện trước và độc lập, phân cấp toàn diện việc quản lý DA, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 
Minh Phương