Gỡ ‘thẻ vàng’ IUU - cam go đường đi tới khai thác bền vững 

(Chinhphu.vn) - Trong khi câu chuyện đàm phán giữa các bộ ngành và phái đoàn EU đối với các cam kết chống khai thác IUU vẫn đang tiếp diễn thì đối với doanh nghiệp, cảng cá địa phương và ngư dân, vẫn bộn bề những vướng mắc cần được tháo gỡ.

 

Ảnh minh họa

Từ trung tuần tháng 10/2017, sau khi nhận “thẻ vàng” IUU từ EU do bị cho rằng đang có các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (sau đây gọi tắt là IUU), khu vực xuất khẩu hải sản đánh bắt của Việt Nam đã lập tức đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Thông tin từ Hội nghị do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 25/9, tuy chưa có thống kê chính thức về các thiệt hại liên quan tới sinh kế của ngư dân làm nghề biển nói chung nhưng với giới doanh nghiệp, các con số tăng trưởng và kim ngạch đang dần chìm vào vùng xám.

Dữ liệu tổng hợp từ hải quan cho thấy “thẻ vàng” của EU đã khiến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay tăng chậm so với năm 2017. Cụ thể, mặt hàng chủ lực là cá ngừ chỉ tăng 12%; mực, bạch tuộc tăng 3,5%; nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm 16%; cua ghẹ tăng 8%...

Trước “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản sang EU từng chiếm 15-17% tổng kim nghạch xuất khẩu hải sản cả nước nhưng hiện chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 12%. Tổng giá trị hải sản xuất đi EU 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 252 triệu USD, tức mạnh giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ có thế, các thị trường xuất khẩu khác cũng bị ảnh hưởng theo. Khi nhà nhập khẩu bắt đầu e ngại về uy tín của người bán thì hiện tượng “tranh thủ” dìm giá, ép giá hải sản Việt Nam cũng xuất hiện.

Riêng thị trường Mỹ, từ đầu năm 2018 đã bắt đầu áp dụng Chương trình Giám sát nhập khẩu hải sản (SIMP) để siết lại dòng dịch chuyển thương mại của 13 loại thủy hải sản vào nước này. “Thẻ vàng” cũng khiến cho gần 100% container hải sản Việt Nam xuất đi EU đều bị hải quan nước sở tại giữ lại kiểm tra. Thời gian giao hàng chậm trễ cũng đội chi phí lên cho cả hai bên mua - bán.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại VASEP,  “thẻ vàng” IUU đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam và sẽ còn tác động trong thời gian tới do Việt Nam đang liên tục điều chỉnh nhiều hoạt động quản lý và khai thác nhằm đáp ứng các khuyến nghị của EU và hướng tới phát triển bền vững. Điều này có nghĩa trong giai đoạn “quá độ” ấy, khó có thể tránh khỏi những bất cập, tồn tại chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Bộn bề vướng mắc của cảng cá và ngư dân

Trong khi câu chuyện đàm phán giữa các bộ ngành và phái đoàn EU đối với các cam kết chống khai thác IUU vẫn đang tiếp diễn thì tại các doanh nghiệp, cảng cá địa phương và lực lượng ngư dân, những vướng mắc cần được tháo gỡ dường như vẫn còn khá bộn bề.

Đầu tiên là những rào cản từ khâu con người. Theo ông Vũ Trí, đại diện Ban lãnh đạo Cảng cá Tiền Giang, trừ lãnh đạo “có trình độ tương đối”, còn lại dàn nhân viên cảng cá chủ yếu là “tay ngang”, văn hóa mới ở trình độ phổ thông. “Đùng một cái có hàng loạt quy định, giao việc về cho cảng quá nhiều, nhất là công tác quản lý, hướng dẫn các thống kê, báo cáo. Mà anh em cũng chưa có tập huấn gì cả nên mỗi người làm một kiểu. Nội bộ nhân sự cảng đã không thống nhất rồi nên khi giải quyết cho doanh nghiệp cũng có nhiều tranh cãi”, ông Trí trần tình.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bửu Gioãn, Phó Giám đốc Ban Quản lý các Cảng cá Quảng Ngãi cũng thừa nhận hiện khâu nặng nề nhất tại cảng là xác nhận tàu cập bến với hải sản khai thác. Nhưng với lực lượng nhân sự trước giờ chỉ lo sắp xếp tàu thuyền và thu tiền sử dụng dịch vụ cảng thì các yêu cầu về thực hiện các thủ tục xác nhận S/C cho tàu cá (xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản) là “quá sức”.

Trong khi đó, hiểu biết của ngư dân vẫn còn khá hạn chế. Rất nhiều lần nhật ký khai thác của tàu cá bị ghi sai. “Hôm nay tàu xuất bến mà ngày mai đã đánh bắt cá cách đó hơn 300 hải lý. Có lúc ngư dân còn ghi tọa độ tàu cá đúng ngay trên đảo luôn!”, ông Gioãn nêu ví dụ để lý giải cho thực tế cảng cá đang phải “dùng hải đồ để tự đối chiếu, phỏng đoán rồi hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký sao cho… phù hợp”.

Hạ tầng cũng là điểm gây “đau đầu” cho các nhà quản lý cảng cá. Phản ánh của rất nhiều cảng cá tại Hội nghị cho thấy đa số tàu đánh bắt không dỡ hàng về cảng chính thức - nơi có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác, mà lại về “bến nhà” (tức các bến tư nhân). “Doanh nghiệp cứ làm hồ sơ yêu cầu cảng xác nhận sản lượng nguyên liệu mua được từ tàu A, B, C… nhưng chúng tôi không có cơ sở nào để cấp xác nhận như vậy”, ông Vũ Trí cho hay về hàng loạt xác nhận “treo” đang phải xin ý kiến cấp trên.

Vì sao như vậy? Người đại diện Ban Quản lý các Cảng cá Quảng Ngãi ước tính lượng hàng qua cảng không quá 10% tổng sản lượng hải sản ngư dân khai thác đem về. “Cơ sở hạ tầng cảng cá mới được đầu tư mấy năm gần đây. Nhưng một cảng có chiều dài 60 m chỉ đủ sức ‘tiếp’ hai tàu dài 24 m cùng lúc. Thế nên hơn 90% sản lượng hải sản đánh bắt còn lại của Quảng Ngãi phải cập về các cảng tư nhân”.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định - đơn vị từng có 60% hàng hóa xuất khẩu đi EU với gần 100% nguyên liệu đến từ các tàu đánh bắt xa bờ cũng chia sẻ, doanh nghiệp dù có thực hiện nghiêm túc mọi quy định nhưng với điều kiện các cảng cá thiếu thốn nhân lực, vật lực như hiện nay thì dù có cố gắng cách mấy cũng “lực bất tòng tâm”, “có khi 1-2 tháng doanh nghiệp mới có được xác nhận nguồn gốc nguyên liệu của cảng cá”, bà Lan than thở.

Hàng loạt vướng mắc khác cũng được nêu ra tại Hội nghị như: Ý thức chủ tàu kém hoặc do hạn chế về vốn liếng nên ngư dân chưa thực sự hợp tác trong lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu; bản thân các hệ thống giám sát hành trình tàu hiện nay cũng chưa hoàn toàn hoạt động hiệu quả và chính xác nên ngư dân cứ “lơ là” dần…

Có lẽ với thực tế này, mục tiêu gỡ bỏ được “thẻ vàng” IUU của EU trong thời gian ngắn là cực kỳ khó khăn. Bởi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đoàn thanh tra EU sẽ tiến hành đánh giá lại công tác khắc phục “thẻ vàng” của Việt Nam. Trước mắt, dự báo cả năm nay, xuất khẩu hải sản cả nước sẽ đạt 3,2 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đặt ra trước đó là 3,3 tỷ USD.

Phương Hiền

431 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1341
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1341
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168994