|
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hiện nay 100% thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng tại Việt Nam đều có nguồn gốc nhập khẩu. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), khẳng định, để tránh trình trạng cây trồng và đất canh tác bị quá tải trong hấp thụ các chất hoá học từ thuốc BVTV, việc kiểm soát đăng ký, nhập khẩu các loại thuốc BVTV trong thời gian tới sẽ ngày càng siết chặt hơn.
PV: Ngày càng nhiều những lo ngại về tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm và ngay cả ở nguồn đất, nước. Để kiểm soát tình trạng này ngành BVTV đã có những biện pháp gì?
Ông Hoàng Trung: Quả thực những lo ngại của người dân với những sản phẩm nông nghiệp “sinh học thì ít hoá học thì nhiều” chúng tôi rất chia sẻ. Là đơn vị quản lý đầu ngành về BVTV, chúng tôi xác định rất rõ nhiệm vụ trong thời gian tới về việc quản lý chặt các sản phẩm đầu vào. Trước đây để xem xét các hồ sơ đăng ký cấp phép thuốc BVTV chỉ có 1 chuyên viên thẩm định, hầu như việc thẩm định hồ sơ dưới góc độ pháp lý đầy đủ sẽ được cấp phép. Nhưng đến nay việc cấp phép phải thông qua cả một hội đồng với 9 chuyên viên thẩm định kỹ thuật rất chặt chẽ. Ngoài những tiêu chí kỹ thuật riêng của các loại thuốc thì tiêu chí chung là bảo vệ sức khoẻ con người, những loại có ảnh hưởng đến các sinh vật sống trong môi trường như cá, chim… và những loại thuốc có cách ly dài ngày (ngấm vào đất và cây trồng sâu) thì sẽ hạn chế lưu hành.
Hiện nay theo trung bình kết quả xét duyệt hồ sơ của chúng tôi thì cứ khoảng 100 hồ sơ mới có được tầm 40 hồ sơ hợp lệ và được cấp phép. Hồ sơ xin cấp phép khảo nghiệm cũng giảm đến 80% do các yêu cầu kỹ thuật được nâng cao theo hướng bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người như tôi đã nói ở trên.
Pv: Các hàng rào “kỹ thuật” đó có vấp phải sự phản ứng nào từ phía các doanh nghiệp không thưa ông?
Ông Hoàng Trung: Có chứ, trước đây doanh nghiệp về thuốc BVTV dễ dàng đăng ký lưu hành và khảo nghiệm bao nhiêu thì bây giờ đòi hỏi họ phải chấn chỉnh hoạt động và đưa tiêu chí đảm bảo sức khoẻ con người và môi trường lên hàng đầu nên cũng phải làm việc chặt chẽ hơn. Nhưng chúng tôi cũng xác định làm chặt ở khâu cấp phép khảo nghiệm chính là hạn chế tối đa chi phí cho doanh nghiệp ngay từ đầu.
Cùng với đó chúng tôi cũng nhận thấy hiện nay doanh nghiệp về thuốc BVTV ý thức hơn hẳn trong việc sản xuất kinh doanh ngay từ khi khảo nghiệm, đăng ký. Thực tế đã có hồ sơ gửi lên Cục BVTV với những thông tin đáng lẽ phải do nhà sản xuất nghiên cứu và ghi chú thì hoàn toàn là “down” trên mạng về để đính vào hồ sơ, đó là cách làm rất ẩu và gian dối.
PV: Thông tin dư luận gần đây rất quan tâm về chất glyphosate được sử dụng trong thuốc diệt cỏ đang có nghi vấn có nguy cơ gây ung thư trên người, vậy quan điểm của Cục về loại hoạt chất này như thế nào?
Ông Hoàng Trung: Cho đến thời điểm này, Cục BVTV chưa chính thức trình lên lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị cấm sử dụng hoạt chất này. Hiện nay Cục đang tiến hành thu thập các bằng chứng khoa học xung quanh việc sử dụng các hoạt chất này để có đề xuất chính thức. Một trong những bằng chứng pháp lý, khoa học đang được trông đợi tới đây chính là phán quyết cuối cùng của toà án Liên Bang Mỹ về vụ án Dwayne Johnson kiện hoạt chất glyphosate của tập đoàn Monsanto gây ung thư trong những ngày tới đây. Nếu Toà án này ra phán quyết để ông Johnson thắng kiện thì chúng tôi sẽ lập tức đệ trình việc cấm sử dụng glyphosate lên Bộ trưởng ra quyết định.
Cũng phải nói rõ Cục đã thu thập rất nhiều thông tin và bằng chứng khoa học về hoạt chất này nhưng hiện nay các bằng chứng vẫn chưa ngã ngũ về việc hoạt chất này có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người hay không (nếu sử dụng đúng hướng dẫn). Cục sẽ gửi hết các báo cáo khoa học để các hiệp hội, doanh nghiệp được phản hồi thông tin trước khi ra quyết định.
Thực tế trên thế giới hiện cũng có nhiều nước cấm nhưng nhiều nước vẫn cho phép lưu hành nên các quyết định cuối cùng của Việt Nam phải dựa trên các bằng chứng khoa học và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trực tiếp sản xuất ra chất này.
Pv: Ông có thể nói rõ hơn về tác động đến thị trường thuốc BVTV nếu ra lệnh cấm sử dụng loại chất này ở Việt Nam không?
Ông Hoàng Trung: Hiện nay có đến 106 loại sản phẩm BVTV sử dụng chất glyphosate, các thuốc nhập khẩu liên quan đến chất này chiếm đến 30% lượng thuốc BVTV nhập khẩu hiện nay (trong khi thuốc BVTV 100% nhập khẩu). Sở dĩ lượng thuốc này lưu hành rộng rãi như vậy bởi các tính năng “sẵn, rẻ, tiện” cho người nông dân, mà chủ yếu là nông dân ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Với lượng lớn lưu hành như vậy, nếu cấm hoạt chất này thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường thuốc BVTV, chính vì vậy chúng tôi cũng làm rất thận trọng để ưu tiên đảm bảo sức khoẻ con người và môi trường nhưng cũng không đột ngột làm biến đổi môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, glyphosate được xếp vào dạng có lộ trình cấm. Từ năm 2016 Cục BVTV đã không cho đăng ký thêm các loại thuốc có chứa glyphosate, sau đó vẫn tiếp tục quá trình theo dõi các tác dụng của thuốc này đến con người và môi trường. Ngay cả ban hành lệnh cấm thì vẫn sẽ có lộ trình cụ thể để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp trong xử lý hàng tồn kho.
Pv: Xin ông chia sẻ thêm thông tin về công tác cấp phép khảo nghiệm và lưu hành các sản phẩm BVTV trong thời gian tới để hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ hơn?
Ông Hoàng Trung: Sau khi tập hợp đầy đủ các bằng chứng khoa học và xem xét các hiệu lực sinh học thấp, vừa qua chúng tôi đã chính thức cấm 6 hoạt chất, tương đương với 1.024 sản phẩm sẽ dừng lưu hành. Ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ ra quyết định cuối cùng về việc cấm 4 hoạt chất nữa, tương đương với khoảng 60 sản phẩm sẽ dừng lưu hành.
Cũng có những lo ngại khi cấm quá nhiều thì cũng không có thuốc để dùng nhưng hoàn toàn không phải vậy, ví dụ như chất glyphosate đang tranh luận như trên, hiện nay có đến 77 hoạt chất với trên 100 hỗn hợp thuốc trừ cỏ vẫn có thể sử dụng thay thế.
Cùng với đó, chúng tôi nhất quán quan điểm không khuyến khích các loại thuốc khiến thực vật phải cách ly lâu ngày, và mỗi sản phẩm thuốc BVTV hiện nay chỉ được sử dụng với 3 đối tượng gây hại và cấp phép mỗi lần 5 năm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Hương (Thực hiện)