Những tiết học ý nghĩa này không chỉ giúp HS có cơ hội tìm hiểu, nắm vững các kiến thức về biên giới, chủ quyền lãnh thổ… mà còn nâng cao nghĩa vụ trách nhiệm phòng chống đấu tranh với tệ nạn xã hội của những công dân tương lai vùng biên.
Chung tay cùng ngành Giáo dục
Tháng 5/2017, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị và Sở GD&ĐT Quảng Trị ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phòng ngừa các tệ nạn xã hội và tội phạm trong học sinh ở địa bàn khu vực biên giới giai đoạn 2017 - 2021. Trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đã ký quy chế phối hợp với cấp ủy, Ban giám hiệu các trường trên địa bàn về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng ngừa các tệ nạn xã hội và tội phạm trong trường học giai đoạn 2017 - 2021”. Được sự tuyên truyền, vận động của lãnh đạo đồn, các cán bộ, chiến sĩ đã trăn trở, suy nghĩ về nhiều mô hình, hoạt động vừa có tính ý nghĩa xã hội vừa phù hợp với thực tiễn địa bàn.
Từ đó, ý tưởng về mô hình “Tiết học biên giới” ra đời cuối năm 2016 và được chiến sĩ của đồn triển khai thí điểm vào tháng 5/2017. Với mô hình này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay trở thành những giáo viên đứng lớp. Trong mỗi tiết học, các anh truyền đạt kiến thức cơ bản về pháp luật biên giới quốc gia; dấu hiệu nhận biết đường biên, cột mốc; các quy định, hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới… cho các em học sinh.
Dẫu mô hình mới triển khai trong 2 năm song đã mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng. Đến nay, đơn vị đã tổ chức 78 “Tiết học biên giới” cho 2.880 học sinh ở xã A Ngo, A Bung và Tà Rụt, huyện Đakrông.Mẫu 3 – Trích dẫn quan trọng
Không chỉ truyền tải kiến thức ngay trên lớp học, các chiến sĩ còn đưa HS học ngoài thực tế và trải nghiệm tại đường biên, cột mốc trên địa bàn xã. GV và HS được tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu; tham quan mốc quốc giới; được giới thiệu về quy trình tuần tra đường biên, cột mốc… Sau mỗi buổi học, nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới của HS vùng biên giới được nâng lên rõ rệt. Nhiều HS trở thành hạt nhân tích cực chung tay, góp sức tuyên truyền cho người dân nơi bản làng mình sinh sống cùng giữ gìn an ninh, trật tự.
Đáng nói, “Tiết học biên giới” đã tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa rộng khắp trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung, huyện Đakrông nói riêng.
Để HS biết trân trọng chủ quyền
Thượng úy Nguyễn Văn Bằng – Đội trưởng Tham mưu Hành chính – Đồn Cửa khẩu quốc tế La Lay chia sẻ: Chúng tôi rất trăn trở khi điều kiện sống của người dân khu vực đồn đóng quân còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhận thức của người dân địa phương, đặc biệt là các em HS dân tộc vùng biên giới về chủ quyền, an ninh biên giới còn hạn chế. Vì thế, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay luôn mong muốn đưa ra những mô hình, hoạt động hay để hỗ trợ người dân địa phương không chỉ nâng cao về nhận thức, kiến thức mà còn tạo ra những giá trị vật chất để bà con bớt khó khăn trong cuộc sống.
Làm sao để đưa những kiến thức về pháp luật biên giới vốn khô khan đến các em HS nhỏ tuổi - đó là điều khiến cán bộ chiến sĩ luôn trăn trở. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo giáo án dành cho “Tiết học biên giới” các chiến sĩ không chỉ chú trọng đầy đủ về nội dung, mà còn làm sao biến những kiến thức, nội dung đó thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ hình dung.
Để đưa “Tiết học biên giới” vào hiện thực, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã chủ động xây dựng chương trình và ký kết quy chế phối hợp với Ban giám hiệu các nhà trường trên địa bàn 3 xã A Ngo, A Bung, Tà Rụt. Với thông tin bổ ích của mô hình “Tiết học biên giới”, các chiến sĩ không chỉ triển khai giảng dạy trong trường lớp, mà còn trở thành hoạt động ngoại khóa cho HS 3 xã trên địa bàn đồn trú chân.
Hàng tuần, “Tiết học biên giới” diễn ra trong 1 tiết (45 phút) nên các chiến sĩ đã soạn thảo nội dung kiến thức giảng dạy phù hợp với thời gian, độ tuổi, sự tiếp nhận của HS. Ví như, đối với HS bậc TH và THCS, nội dung giảng dạy sẽ xoay quanh kiến thức về khu vực biên giới, biển cấm, Nghị định 34, đường biên, cột mốc…. Còn đối với HS bậc THPT, nội dung giảng dạy lại tập trung vào tác hại của tệ nạn buôn bán ma túy qua biên giới tới học đường…
Có thể nói, nếu thầy cô giáo đảm nhiệm công tác truyền đạt những kiến thức phát luật liên quan đến biên giới tới HS thì chỉ có thể dựa trên những lý thuyết chung chung và như vậy thông tin không đầy đủ sâu sắc. Nhưng với sự chuẩn bị kĩ càng, cùng tâm huyết của chiến sĩ nên những “Tiết học biên giới” dù được giảng dạy trên lớp hay ngoài thực tế sẽ luôn đảm bảo lượng kiến thức, bổ ích thiết thực. “Tiết học biên giới” đã mang đến cho cả GV và HS nhiều ý nghĩa, sự háo hức mong đợi kiến thức và hơn thế nâng cao nghĩa vụ trách nhiệm phòng chống đấu tranh với tệ nạn xã hội vùng cao biên giới.