Giúp DN thâm nhập sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu 

(Chinhphu.vn) - Xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua con đường thâm nhập vào mạng lưới của tập đoàn phân phối nước ngoài gần đây được xem như một phương thức hữu hiệu, bền vững được nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi.

 

Cuộc hội thảo-tập huấn do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 8/5/2018. Ảnh: VGP

Vấn đề này ngày càng được nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam chú ý đặc biệt kể từ khi các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ có mặt tại Việt Nam và tạo điều kiện để các DN tìm hiểu, tiếp cận sâu hơn vào hệ thống của họ ngay tại Việt Nam cũng như mạng lưới toàn cầu.

Tháng 4/2018, tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc đến phương thức này như là một trong những giải pháp quan trọng, trực tiếp thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời giúp cho các sản phẩm Việt Nam, DN Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp nối thành công từ những năm trước của “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020”, thời gian qua Bộ Công Thương đã xây dựng "Chiến lược tiếp cận các hãng phân phối nước ngoài" một cách đồng bộ với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, hiệp hội ngành hàng, các DN xuất khẩu và các nhà phân phối nước ngoài.

Chiến lược gồm 5 mục tiêu chính.

Một là nghiên cứu, xây dựng chính sách. Theo đó, tiến hành rà soát, xây dựng chính sách khuyến khích các tập đoàn phân phối nước ngoài có mặt tại Việt Nam hợp tác đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng hóa có thương hiệu, vào hệ thống phân phối của các tập đoàn này tại Việt Nam và các nước khác. Nghiên cứu, và đề xuất xây dựng chính sách phù hợp về chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, cung cấp thông tin thị trường,... để hỗ trợ các DN Việt Nam.

Hai là xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt. Theo Bộ Công Thương, đặc trưng của việc bán hàng cho các chuỗi phân phối là yêu cầu sản lượng lớn, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành nhà cung ứng cho chuỗi phân phối, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để đảm bảo truy xuất nguồn gốc do hãng phân phối đặt ra, thêm vào đó là thời hạn thanh toán tương đối dài. Do vậy, thường chỉ có các DN có quy mô sản xuất lớn, tiềm lực kinh tế mạnh và nhất là có phương thức sản xuất kinh doanh bài bản, sẵn sàng đầu tư chiều sâu mới có khả năng theo đuổi phương thức này.

Ba là nâng cao năng lực cho các DN xuất khẩu. Cụ thể, các DN sau khi được lựa chọn sẽ được thường xuyên tham gia các khóa tập huấn mở rộng hoặc chuyên sâu do chính các hãng phân phối hoặc các tổ chức chuyên ngành hướng dẫn và đào tạo để nắm bắt đầy đủ các quy định thu mua, chất lượng sản phẩm, yêu cầu về bao bì, nhãn mác...

Bốn là xúc tiến kết nối giao thương. Theo đó, tập trung tận dụng các hãng phân phối đã có mặt tại Việt Nam để thực hiện 2 mục tiêu, gồm tổ chức các tuần lễ hàng Việt Nam tại các hệ thống của hãng ở nước ngoài; kết nối DN Việt Nam với các nhân sự thu mua quốc tế của hãng thông qua các hoạt động kết nối giao thương tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Năm là truyền thông nâng cao nhận thức. Đó là tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc tận dụng cơ hội xuất khẩu thông qua kênh phân phối hiện đại, chia sẻ những kinh nghiệm thành công, khuyến khích các DN Việt Nam cùng phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu đưa vào các chuỗi phân phối nước ngoài, thông qua đó tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam.

Năm 2018, với trọng tâm là tập trung nâng cao năng lực cho các DN, giúp DN có đủ khả năng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới,  Bộ Công Thương đã giao Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chủ trì tổ chức một loạt các hội thảo-tập huấn nhằm trang bị cho các DN trong nước kiến thức cụ thể để từ đó xây dựng một đội ngũ DN có đủ năng lực để đồng hành với Bộ Công Thương triển khai mục tiêu tiếp cận vào các hệ thống phân phối nước ngoài.

Theo đó, ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với 3 tập đoàn lớn là Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản) và Chợ đầu mối nông sản châu Âu Rungis (Pháp) tổ chức hội thảo- tập huấn hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu vào các mạng phân phối nước ngoài, thu hút được hơn 200 DN khu vực phía bắc tham gia.

Tiếp đó, ngày 13/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với 3 tập đoàn phân phối nước ngoài, gồm Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Auchan (Pháp) tổ chức hội thảo – tập huấn cho các DN phía nam, thu hút gần 200 doanh nghiệp tham dự.

Tại các buổi tập huấn, chuyên gia của AEON, Central Group và Auchan đã hướng dẫn cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối của họ đối với từng ngành hàng cụ thể như nông sản, hàng dệt may, thực phẩm chế biến, gia dụng... đồng thời nâng cao năng lực xuất khẩu cho các DN Việt Nam thông qua tập huấn về quy trình quản lý, tiêu chuẩn hàng hóa,quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, xây dựng phát triển sản phẩm, các thủ tục xuất nhập khẩu, cách thức tiếp cận các hệ thống phân phối, quy trình đưa vào hệ thống… Ngay sau khóa tập huấn, các DN có cơ hội kết nối với bộ phận thu mua của 3 tập đoàn nói trên để tìm cơ hội trở thành nhà cung cấp lâu dài và bền vững.

Cuộc hội thảo-tập huấn do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM ngày 13/7/2018. Ảnh: VGP

AEON và Central Group cho biết trong năm 2017, giá trị thu mua hàng hóa nguồn gốc Việt Nam để xuất khẩu vào các hệ thống của các tập đoàn này tại nước ngoài lần lượt đạt 200 triệu USD và 46 triệu USD.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ Công Thương đã đề nghị AEON và Central Group trở thành đối tác chiến lược của "Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020", qua đó giúp chọn lọc, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực của doanh nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng vào hệ thống phân phối của các tập đoàn này, đẩy mạnh việc thu mua hàng hóa các loại có nguồn gốc từ Việt Nam để xuất khẩu vào hệ thống phân phối của tập đoàn. Các tập đoàn cũng có thể tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết (thí dụ CPTPP) để đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang chuỗi siêu thị tại các nước trong khối. 

Bộ Công Thương cũng đã thảo luận chi tiết với các tập đoàn phân phối về Kế hoạch xuất khẩu nhằm hiện thực hóa mục tiêu tới năm 2020, trong đó xác định cụ thể về thị trường mục tiêu, ngành hàng mục tiêu và các biện pháp hỗ trợ của các nhà phân phối. Trước mắt, chương trình sẽ tập trung vào các nhóm hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ nội thất, đồ gia dụng và nông sản.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương với hệ thống thương vụ tại 64 địa bàn trên toàn thế giới, luôn sẵn sàng hỗ trợ các ngành hàng, địa phương, DN trong việc kết nối với các tập đoàn phân phối đa quốc gia, các hệ thống phân phối bản địa, hệ thống phân phối hàng châu Á gắn với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Công Thương sẽ đồng hành với cộng đồng DN trong tiến trình xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu, qua đó mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến khích các DN Việt Nam trong thời gian tới cần chủ động đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… để có thể từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn.

BT

819 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 610
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 610
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86273602