Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/ĐH
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Tại dự thảo Nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), do vậy Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP…
Quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc quy định sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân vì đối tượng vi phạm sẽ rất khó khăn trong việc phi tang tang vật vi phạm bởi các vi phạm này đã được cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân lưu lại bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi trong quá trình tác nghiệp và không bỏ lọt hành vi vi phạm.
Đồng thời, giúp tiến hành xử lý vi phạm được thuận lợi và nhanh hơn bởi đã có các bằng chứng, chứng cứ thuyết phục; giảm được kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển bởi tàu cá đã được theo dõi, giám sát bằng thiết bị giám sát tàu cá; thông tin dữ liệu thu được từ thiết bị này sẽ là bằng chứng, chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm…
Để bảo đảm việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và bảo đảm các quy định pháp luật đủ rõ, đủ chi tiết, Chính phủ sẽ bổ sung Danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Bảo đảm tính răn đe và hiệu quả thực thi pháp luật về thủy sản
Thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc Chính phủ trình là đúng thẩm quyền, bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định của luật.
Về sự cần thiết quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Điều này giúp công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thuận lợi và hiệu quả hơn, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính; góp phần nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, bảo đảm tính răn đe và hiệu quả thực thi pháp luật về thủy sản…
Thẩm tra phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, "hoạt động thủy sản" theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Luật Thủy sản năm 2017 bao gồm các hoạt động: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Chính phủ đề nghị cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nói chung, tức là áp dụng đối với cả 4 nhóm hoạt động thủy sản nêu trên.
Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ tập trung phân tích, đánh giá thực trạng vi phạm và khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm liên quan đến các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản (đặc biệt là hành vi khai thác IUU) mà hầu như không đề cập đến khó khăn trong xử lý vi phạm đối với hoạt động chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo cũng chưa đánh giá tác động, làm rõ các điều kiện bảo đảm thực hiện nếu được cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Để có thêm cơ sở, thông tin phục vụ thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nội dung trên.
Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động "khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản". Đồng thời, đề nghị Chính phủ, cùng với việc sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP để bổ sung quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cần nghiên cứu sửa đổi các nghị định có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản - Ảnh: VGP/ĐH
Rà soát, cân nhắc để phạm vi điều chỉnh khớp với tên gọi
Thảo luận tại Phiên họp, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; khẳng định, việc cho phép sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính có tác dụng rất lớn trong tăng cường tính răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm và tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính còn góp phần phòng ngừa tham nhũng, hạn chế tối đa cơ hội tham nhũng trong việc xử phạt vi phạm hành chính, nhất là các lực lượng chấp pháp tuần tra trên biển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, thời gian qua, không chỉ các cơ quan của Chính phủ mà cả Quốc hội cũng đề cập nhiều đến vấn đề thẻ vàng khai thác thủy sản của Liên minh châu Âu đối với Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đời sống sinh kế người dân Việt Nam và tác động đến doanh nghiệp châu Âu. Do đó, việc tăng cường giám sát quản lý đánh bắt thủy sản không đăng ký, không khai báo vừa là cam kết của Việt Nam, đồng thời thể hiện chính sách phát triển bền vững của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cùng với quá trình xây dựng Nghị định cần tăng cường thêm công tác truyền thông, bảo đảm quản lý, giám sát việc đánh bắt thủy sản không khai báo, không đăng ký; thể hiện nỗ lực, cố gắng của Việt Nam để tác động tới các cơ quan của châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng về lĩnh vực thủy sản.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu lựa chọn thu hẹp phạm vi điều chỉnh thì có thay đổi tên gọi của Nghị định hay không và đề nghị các cơ quan rà soát, cân nhắc để phạm vi điều chỉnh khớp với tên gọi.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiêm túc chuẩn bị hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật; khẳng định đây là nội dung quan trọng, có nghĩa thiết thực trong việc phát triển ngành ngư nghiệp bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát để thay thế, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản khi ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sửa đổi)./.
Nguyễn Hoàng