Nhìn lại quãng thời gian 40 năm về trước có thể thấy cho đến trước ngày 7/1/1979 thảm họa diệt chủng do tập đoàn tội ác Pol Pot-Ieng Sary gây ra trên đất nước Campuchia kéo dài đã hơn 3 năm 8 tháng với hơn 2 triệu người dân Campuchia bị giết hại.
Trước tội ác khủng khiếp ấy, Việt Nam đã kịp thời đứng bên cạnh nhân dân Campuchia.
Nhạy cảm trước diễn biến tình hình ngày càng xấu đi ở Campuchia, Việt Nam đã thành lập Đoàn 977 (tháng 9/1977) để tiếp đón, giúp đỡ những người bạn Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn. Khi lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia thành lập (12/5/1978), Việt Nam giúp đào tạo huấn luyện cán bộ, thành lập các ban vận động cách mạng, chi viện cho bạn xây dựng thực lực.
Khi Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời (2/12/1978) giương cao ngọn cờ đoàn kết tập hợp, tổ chức và lãnh đạo nhân dân Campuchia đứng lên cứu nước, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất đáp ứng lời kêu gọi ấy và đã ủng hộ, giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia (thành lập Đoàn 478).
Thực hiện kế hoạch giải phóng Campuchia theo lời kêu gọi của bạn, Việt Nam mở 3 chiến dịch quân sự lớn làm cơ sở cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia phát động toàn dân đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giành chính quyền về tay nhân dân.
Chiến thắng ngày 7/1/1979 là thắng lợi chung của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và lực lượng vũ trang Việt Nam khi lật đổ chính quyền của Pol Pot, giải phóng đất nước Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến sự ra đời Cộng hòa Nhân dân Campuchia (11/1/1979).
Từ sau ngày 7/1/1979, tàn quân Pol Pot lẩn trốn khắp nơi, móc nối với các thế lực phản động tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng Campuchia. Nhưng mưu đồ của chúng không thể đảo ngược được tình hình. Chính phủ Cách mạng Campuchia với sự giúp đỡ toàn diện, chí tình chí nghĩa của Việt Nam, từng bước phát triển vững chắc, nhất là khi hai nước ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác (18/2/1979). Hai bên cam kết “làm hết sức mình để bảo vệ và phát triển không ngừng truyền thống đoàn kết chiến đấu quan hệ hữu nghị, hợp tác anh em Việt Nam-Campuchia, lòng tin cậy và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau”.
Theo tinh thần ấy, Việt Nam đưa quân tình nguyện và chuyên gia sang giúp bạn với 3 nhiệm vụ: Phối hợp bảo vệ thành quả cách mạng; xây dựng chính quyền nhân dân, cơ sở chính trị và thực lực cách mạng; ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang Campuchia mở nhiều đợt tấn công truy quét tàn quân Pol Pot, tạo đà cho công tác phát động quần chúng nhân dân xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến giữa năm 1984, các ổ nhóm phản động trên các địa bàn trọng điểm của Campuchia cơ bản bị xóa sổ, đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển. Cùng với đó, quân tình nguyện Việt Nam đóng góp hàng vạn ngày công cùng quân dân Campuchia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới nhằm ngăn chặn các hoạt động xâm nhập của địch.
Trong nhiệm vụ xây dựng chính quyền nhân dân, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp nhân dân các địa phương Campuchia xây dựng hệ thống chính quyền 3 cấp tự quản (tỉnh, huyện, xã); tổ chức lực lượng vũ trang 3 thứ quân (quân chủ lực, quân địa phương, dân quân tự vệ) cùng hàng trăm đội công tác. Chính lực lượng vũ trang 3 thứ quân của bạn là lực lượng quan trọng phối hợp truy quét tàn quân địch, củng cố chính quyền cách mạng địa phương…
Trong nhiệm vụ ổn định đời sống, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chuyển hàng trăm tấn lương thực từ Việt Nam sang giúp nhân dân Campuchia. Cùng với đó, hàng triệu nông cụ, hàng triệu mét vải, hàng triệu dụng cụ gia đình, hàng ngàn tấn thuốc phòng và chữa bệnh cũng được chuyển sang giúp đỡ nhân dân Campuchia trong lúc ở Việt Nam vẫn còn vô vàn khó khăn.
Lịch sử các đơn vị tình nguyện còn ghi: Bộ đội Sư đoàn 341 nhịn ăn bữa sáng giúp nhân dân huyện Mung; cán bộ, chiến sĩ các Đoàn 24, 25, 71 tiết kiệm gạo hằng ngày gửi giúp nhân dân tỉnh Kandan...
Hình ảnh còn lưu giữ trong ký ức quân tình nguyện Việt Nam cùng các đội công tác bạn đi xuống bản làng, bám dân, thực hiện viên thuốc chia đôi, bát cơm sẻ nửa, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi rình rập, phá hoại của kẻ thù. Các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp được khôi phục cùng với hệ thống giao thông nội địa, đường sắt, đường bộ liên tỉnh, liên huyện được phục hồi từ hoạt động của chuyên gia và lao động tình nguyện Việt Nam. Hàng triệu người dân Campuchia trở về quê cũ, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, trường học, chùa chiền có sự giúp sức của bộ đội tình nguyện Việt Nam.
Việt Nam đưa cán bộ, chuyên gia về văn hóa-giáo dục-y tế, giúp bạn đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm quản lý giáo dục, biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, công tác chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; các đoàn nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sang Campuchia tổ chức nghiên cứu khoa học, trao truyền kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học…
Không lĩnh vực nào ở Campuchia lại thiếu sự giúp đỡ ân cần, kịp thời và hiệu quả từ Việt Nam…
Người Campuchia biết rõ trong hơn 30 năm (1945-1979), Việt Nam ba lần sang giúp nhân dân đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia và biết rằng “Vì giúp đỡ Campuchia mà nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh”…
Về sự hy sinh đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cách mạng nước Cộng hoà nhân dân Campuchia Heng Samrin từng khẳng định: “Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới là người đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu người dân Campuchia trong hoàn cảnh vô cùng nguy nan. Đó là sự giúp đỡ bằng xương máu, sự giúp đỡ nhân đạo cao cả nhất”.
Việc nhân dân Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia là một quá trình hợp tác và kiên trì, không quản ngại hy sinh và tổn thất, vì lợi ích chính đáng của quốc gia dân tộc và cách mạng Campuchia. Đó cũng là kết quả mang tính mẫu mực của mối quan hệ láng giềng trong sáng, đặc biệt, hữu nghị và hợp tác không phải ở đâu cũng có được. Đó là nguồn sức mạnh giúp đất nước Campuchia hồi sinh.
Hà Minh Hồng