Giữ vị quê giữa lòng thành phố 

GD&TĐ - Với dáng vẻ hiền lành chân chất, trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ, ít ai biết cậu thanh niên ấy là chủ một “thương hiệu” trong lòng rất nhiều người con Quảng Trị đang sinh sống tại TPHCM.

Người ta tìm đến, không chỉ vì những món ăn đặc sản quê hương, mà còn để được nói chuyện thoải mái bằng tiếng địa phương của quê mình. Đó là quán ăn Cà Mèn ở quận Tân Phú (TPHCM) do Nguyễn Đức Nhật Thuận và bạn bè lập nên.

Khởi nghiệp từ “vốn” quê hương

Nguyễn Đức Nhật Thuận (sinh năm 1990) quê ở Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), sinh ra trong gia đình thuần nông. Năm 2008, Thuận thi đỗ vào Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Thuận kể, anh chọn học ngành xuất nhập khẩu vì muốn trở thành “người đầu tiên của làng đi ra nước ngoài”.

Ra trường, Thuận được nhận vào làm ở một công ty dịch vụ xuất nhập khẩu ở quận 4 với mức lương tám triệu đồng/tháng, nhưng Thuận làm 3 năm thì xin nghỉ, để nuôi mộng tự lập thân. Anh nói: “Thực ra ngay từ ngày đầu vô Sài Gòn, mình ăn uống không quen nên lúc nào cũng ước được ăn đồ ăn quê nhà. Lúc đó cũng có tìm đến mấy quán ăn Quảng Trị, đồ ăn ngon nhưng cảm giác vẫn chưa “đã” lắm, chưa đúng hương vị của quê. Nhiều lúc, thấy thèm quay quắt những món ăn mẹ nấu với vị mặn mòi, thơm, cay. Ý tưởng tự mình đứng ra kinh doanh gì đó gắn với ẩm thực, đặc sản quê hương được ấp ủ từ đó”.

Bước ngoặt để đưa ý tưởng thành hiện thực là trong một lần về thăm quê, có người bà con nói với Thuận: “Mi vô Sài Gòn, trụ được ở đó là hay rồi, nhưng nếu mang được các món ngon của quê mình giới thiệu cho người Sài Gòn biết, mới là giỏi”. Đau đáu với “lời thách thức” đó, trở lại TPHCM, Thuận tìm gặp bạn bè đồng hương, bàn bạc ý tưởng mở một quán ăn xứ Quảng, không ngờ nhiều người hưởng ứng. Quán Cà Mèn ra đời, nhanh chóng thu hút khách, chủ yếu là những người con xa quê, rồi đối tượng khách mở rộng dần, tạo điều kiện để Thuận cùng bạn bè quyết tâm mở chuỗi quán kinh doanh đặc sản Quảng Trị.

Chia sẻ về tên quán, Thuận cho biết cũng xuất phát từ một kỷ niệm ấu thơ. Ngày nhỏ, Thuận và bạn bè cùng trang lứa ở quê thường mang cơm ra đồng ruộng cho bố mẹ bằng chiếc cà mèn. Quán đặc sản nên Thuận muốn mọi thứ phải đúng là hương vị gốc của quê nhà Quảng Trị. Để có hương vị đúng của quê hương, Thuận thuê đầu bếp về học hỏi những công thức chế biến đồ ăn ngay tại Quảng Trị.

“Những ngày đầu quán mới khai trương, bọn mình cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có cả việc phải vận chuyển nguyên vật liệu từ Quảng Trị vào hàng ngày. Quán nằm trong hẻm nhỏ nên ít người biết đến. Anh em chưa có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực nên khá lúng túng mỗi khi khách đặt số lượng nhiều. Nhưng may mắn là ở Sài Gòn không có chỗ nào bán bánh ướt Quảng Trị, anh em trong quán lúc nào cũng thiệt thà, dễ thương nên tiếng lành đồn xa.

Kể từ đó, bà con biết nhiều và giới thiệu Cà Mèn nhiều hơn. Hẻm 33 Gò Dầu vốn chỉ là một hẻm nhỏ ở quận Tân Phú, nhưng từ ngày Cà Mèn khai trương, bà con đồng hương Quảng Trị ghé lại thường xuyên. Bà con đặt tên là hẻm bánh ướt Quảng Trị”, Thuận cho biết.

Đưa vị quê đi khắp Sài Thành

Những thành quả bước đầu trên bước đường lập nghiệp của Thuận là điều đáng ghi nhận và trở thành “tấm gương” cho không ít bạn trẻ. Tuy nhiên, cũng có những bài học mà Thuận muốn chia sẻ, coi như kinh nghiệm cho những người khởi nghiệp. Trước hết là chữ tín. Đã quảng bá là ẩm thực xứ Quảng, không thể mang đồ ăn ở nơi khác đến rồi nói cũng là từ xứ Quảng, không có thì nói không, cáo lỗi không phục vụ được.

Thuận cho biết: “Quan điểm của mình là khi khách tới quán, không chỉ được ăn ngon mà còn có được cảm giác như đang ở quê hương Quảng Trị. Do đó mình chú trọng nhất đến thái độ phục vụ khách hàng. Ngay từ khâu chuẩn bị đến khi chế biến xong đồ ăn và đem đi giao tới tay khách, anh em phải luôn theo dõi sát sao để đảm bảo khách hàng luôn được phục vụ tận tình, chu đáo nhất. Nhân viên đương nhiên ưu tiên người quê hương, nhưng phải hiền lành, dễ chịu và nhất là biết chiều ý khách, như vậy mới bền lâu được”.

Quán Cà Mèn nhận giao hàng tận nơi cho khách với nhiều món nhưng chủ lực là bánh ướt Phương Lang, một món đặc sản xuất xứ từ làng Phương Lang (Hải Ba, Hải Lăng). Trung bình mỗi ngày quán giao được 30 kg bánh kèm rau sống, nước mắm và thịt heo đều “nhập” từ Quảng Trị theo đường hàng không. “Nhiều khách nói họ từng ăn tại vài quán bán món Quảng Trị nhưng thấy chưa đáp ứng yêu cầu, muốn tới quán Cà Mèn để được ăn như thể ngồi trên manh chiếu quê nhà, ăn món ngon từ ao vườn, đồng ruộng quê hương.

Từ đó, yêu cầu đặt ra với mình là món ăn phải từ quê nhà mang vào, như từ con cá tràu (cá lóc), miếng thịt heo, con vịt luộc đến mọi nguyên vật liệu khác, bọn mình đều lấy từ Quảng Trị, để món ăn đúng chất quê hương nhất. Con cá lóc đánh bắt từ sông Vĩnh Định vừa dai, vừa béo, vừa ngọt, khác hẳn với cá lóc mua ở Sài Gòn (cá nuôi) vừa bở, vừa kém ngọt, dân sành ăn và nhất là dân Quảng sẽ nhận ra ngay” Thuận chia sẻ.

Quán Cà Mèn hình thành và phát triển giữa lòng thành phố lớn không chỉ là thành quả đáng mừng của Nhật Thuận mà còn của nhiều người con Quảng Trị xa quê. Một nơi mà hình bóng quê nhà Quảng Trị được tái hiện trên đất khách quê người.

Nhiều người Quảng Trị tìm đến đây để nhớ về quê hương trong hương vị món ăn, được nói chuyện thoải mái bằng tiếng địa phương, nhiều người xem đây là “mái nhà thứ 2” để cùng gặp gỡ, tâm tình hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, mưu sinh giữa lòng thành phố, và hướng tấm lòng về với quê hương Quảng Trị… Còn những người ở các tỉnh, thành phố khác, họ đến đây cùng với mục đích thưởng thức món ăn đặc sản Quảng Trị và có dịp tìm hiểu, hiểu biết nhiều hơn về mảnh đất và con người xứ Quảng.

THỤC OANH

631 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 802
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 802
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87050177