Một năm sau sự cố Formosa, chính quyền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều nỗ lực khắc phục, trong đó chú trọng đến công tác bồi thường cho người dân. Một trong những khó khăn của công tác bồi thường là phải đảm bảo công bằng, chính xác, đúng đối tượng. Với mức độ ô nhiễm do Formosa gây ra cho môi trường biển, phạm vi gây thiệt hại rộng, có hai nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, cho nên cần phải có thời gian kiểm tra, đánh giá thiệt hại, không thể vội vàng, sẽ dẫn đến thưa kiện, phát sinh khủng hoảng mới.
Cũng sau một năm, con cá dã dần trở lại với bữa ăn của bà con vùng các tỉnh bị ô nhiễm, tuy còn dè dặt, nhưng cũng đã qua giai đoạn nguy hiểm. Thông tin về chất lượng môi trường biển và các loài hải sản từ các cơ quan hữu quan đã giúp người dân có niềm tin hơn, nhưng để con cá vùng biển 4 tỉnh bị ảnh hưởng Formosa có được niềm tin tuyệt đối từ thị trường, đòi hỏi những hoạt động khắc phục tích cực và hiệu quả hơn.
Thị trường hải sản ở vùng này đã ấm lên sau một năm, nhưng nỗi ám ảnh của những thiệt hại vẫn còn trong tâm trí không chỉ của người dân bốn tỉnh lâm nạn. Xóa sạch được nỗi ám ảnh đó phải bằng những hành động thiết thực, xử lý ô nhiễm môi trường có chất lượng, hiệu quả.
Một thông tin đáng chú ý khác, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, đến nay Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm. Người dân ít có kênh thông tin để so sánh nên đặt hết niềm tin vào Bộ Tài nguyên và Môi trường. Formosa đã khắc phục được hầu hết lỗi vi phạm là quá tốt, nhưng câu trả lời không phải chỉ là ở bản báo cáo khoa học, mà còn là bản báo cáo thực chất, trung thực từ biển.