Giữ "lửa" biên cương 

(CADN)- Trong cái nắng nóng có thời điểm lên tới hơn 400C, Thượng úy Lê Văn Cường - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đồn Biên phòng Thanh, BĐBP tỉnh Quảng Trị vẫn miệt mài trên những cung đường đến với chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số Vân Kiều để "truyền lửa" cho họ thực hiện có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Thượng úy Lê Văn Cường cùng cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lìa đến từng nhà dân để kiểm tra kết quả chăn nuôi lợn rừng.

Xã Lìa có 1.156 hộ / 5.258 khẩu, với trên 85% là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, đại đa số những hộ đói nghèo của địa phương đều rơi vào các hộ dân này. Chịu ảnh hưởng lớn nhất của sự đói nghèo vẫn là tầng lớp phụ nữ, chính vì thế, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" như thêm một nguồn động lực để chị em phụ nữ địa phương vùng cao này giảm bớt khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, cho cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Mô hình nuôi lợn rừng phát triển kinh tế gia đình tại xã Lìa, H. Hướng Hóa được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị chọn làm thí điểm về "Chăn nuôi lợn rừng" với số lượng 105 con lợn giống cấp cho 15 hộ gia đình từ cuối năm 2018 ngay sau khi chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được phát động. Thời gian đầu, lợn phát triển khá tốt nhưng dịch tả lợn châu Phi đã làm cho tất cả 7 hộ gia đình chị em phụ nữ gần như không còn lợn giống để nuôi. Chán nản trước thiệt hại do dịch bệnh gây ra, có người đã đập bỏ chuồng trại, kiên quyết không nhận lợn giống về nuôi tiếp mặc dù được hỗ trợ về mọi mặt.

Nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, đồn Biên phòng Thanh đúng vào thời điểm khó khăn nhất trong triển khai thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Thượng úy Lê Văn Cường được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ phụ trách chính địa bàn xã Lìa và bằng mọi giá phải "vực dậy" mô hình chăn nuôi lợn rừng hộ gia đình, từ đó nhân rộng mô hình để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin cho chị em phụ nữ về chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Sau những ngày nắm tình hình, anh tìm ra nguyên nhân của việc giảm lòng tin vào mô hình của chị em phụ nữ. Đó chính là sự hạn chế về tiếp cận kỹ thuật, kỹ năng trong chăn nuôi hiện đại, đồng thời tính riêng lẻ, manh mún từng hộ gia đình cũng góp phần làm cho công tác ngăn ngừa dịch bệnh bị chậm trễ. Để khắc phục, anh đã tham mưu Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lìa thành lập mô hình "Tổ hợp chăn nuôi lợn rừng" giúp các hộ gia đình gắn kết, hỗ trợ, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong việc chăn nuôi. Anh hướng dẫn các hộ gia đình cho phối giống giữa lợn của dự án với lợn thuần chủng địa phương để cho ra những lứa lợn thế hệ F1 dễ thích nghi về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nơi vùng biên giới và tăng thêm sức đề kháng trước những dịch bệnh thông thường.

Anh Cường tâm sự: "Duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình, dự án cho người dân vùng cao luôn đòi hỏi ở người cán bộ làm công tác vận động quần chúng một sự kiên trì, chịu khó, một đức tính thân tình, gần gũi, biết lắng nghe, sẻ chia mọi khó khăn với người dân; đồng thời phải có kiến thức, kỹ năng truyền đạt để người dân hiểu rõ nội dung và làm theo sự hướng dẫn của mình".

Quan sát chị Hồ Thị Giá (1964, ở bản A Sói, xã Lìa, H. Hướng Hóa) cho đàn lợn ăn với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, tôi cảm nhận được rằng, chị đang hạnh phúc, mừng vui trước thành quả lao động của mình. Thế nhưng chị Giá sẽ chẳng bao giờ có được đàn lợn như thế này nếu không có sự động viên khích lệ, sự hướng dẫn tận tình gần như mỗi ngày của Thượng úy Lê Văn Cường.

Chị Giá vui mừng cho hay: "Đàn lợn nhà mình nhiều được như ri là nhờ vào bộ đội Cường đấy. Tháng 10 năm 2018, nhà mình được phụ nữ xã cấp cho 7 con giống lợn rừng để nuôi đẻ, được sự hướng dẫn của bộ đội Cường và các chị phụ nữ trên xã nên lợn nhà mình đã phát triển được 21 con. Mình mừng lắm nhưng khi dịch tả châu Phi lan đến bản làm lợn nhà mình bị chết hết, chỉ còn được một con lợn cái nhỏ. Mình buồn và định phá chuồng không nuôi nữa. Bộ đội Cường đến động viên rồi hướng dẫn cho mình cách ngăn ngừa dịch bệnh, mình nghe theo lời bộ đội Cường và các chị phụ nữ trên xã giữ lại để nuôi, bây giờ nó đẻ được 11 con đấy".

Bằng nhiều phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn theo hình thức "Bắt tay chỉ việc" của Thượng úy Lê Văn Cường cùng với sự vào cuộc trên tinh thần trách nhiệm cao của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, mô hình chăn nuôi lợn rừng tại xã Lìa do chị em phụ nữ trực tiếp thực hiện trong chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã được "hồi sinh" mạnh mẽ sau đại dịch tả lợn Châu Phi hoành hành. Hiện nay, cả 7 hộ gia đình đã phục hồi được đàn lợn với tổng đàn 48 con, thu hồi tiền vốn mua giống trên 8 triệu đồng.

Chị Hồ Thị Thiếc - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lìa khẳng định: "Được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Thanh mà trực tiếp là đồng chí Cường, nhiều chị em chăn nuôi lợn rừng đã nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, cần cù, chịu khó và áp dụng khoa học kỹ thuật để duy trì và phát triển đàn lợn tăng thu nhập cho gia đình để vươn lên thoát nghèo. Điều quý nhất là anh Cường đã làm sống lại niềm tin của chị em phụ nữ địa phương về ý nghĩa của chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Nguyễn Thành Phú

315 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 865
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 865
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76997778