GIỮ GÌN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở TỈNH QUẢNG TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY 

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, yêu cầu của đảm bảo sự phát triển bền vững.

 Xuất phát từ tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá nông thôn trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/ 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Thông tư 12/2010/ TT-BVHTTDL, ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; ngày 09/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết 05/2009/NQ- HĐND ngày 24/4/2009 “Về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục, thể thao; xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở và phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”, Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND ngày 25/4/2014 về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa được Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, thông qua nhiều hình thức như: Phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp tổ dân cư, các hội thi, hội diễn ở cơ sở… từ đó, các gia đình đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa và tự nguyện đăng ký tham gia. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được triển khai sâu rộng, với sự tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể và đông đảo Nhân dân. Công tác đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận danh hiệu gia đình văn hóa được các địa phương tổ chức thực hiện, trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng quy trình nên chất lượng, số lượng công nhận gia đình văn hóa ngày càng tăng và có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc được biểu dương, khen thưởng tại cộng đồng dân cư. Để duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng mình, các địa phương đều xây dựng hương ước riêng phù hợp với các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước và điều kiện, phong tục tập quán ở địa phương. Hương ước góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với phát triển kinh tế, phong trào xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp. Những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều gia đình tiêu biểu, nhiều tấm gương ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, anh em thuận hòa.

Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, hòa thuận; đẩy lùi tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; hình thành các giá trị văn hóa mới ở nông thôn phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua yêu nước khác đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Nhiều địa phương phát động phong trào thi đua dài hạn với chủ đề “Thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho mình, làm giàu, đẹp cho quê hương”, qua đó, mỗi người dân nêu cao vai trò chủ thể trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng, phát huy tính năng động sáng tạo, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, góp phần vun đắp, xây dựng nhân cách, phẩm chất con người Quảng Trị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập quốc tế.

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá nông thôn hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra  ở một số nơi; nhiều hình thức văn hóa, lối sống không lành mạnh thâm nhập về nông thôn, làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống ở nông thôn. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chưa đa dạng về hình thức, nội dung nên chưa thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ. Việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng chưa đáng kể; sau khi sáp nhập thôn xóm, các xã đều dôi dư nhà văn hóa thôn. Việc xây dựng các khu thể thao cũng đang đặt ra nhiều khó khăn cho các địa phương.

Để phát huy những kết quả đạt được đồng thời nhằm khắc phục những mặt còn hạn chế trong quá trình phát triển văn hoá ở nông thôn của tỉnh hiện nay. Thời gian tới, các cấp chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa và phát triển văn hóa nông thôn; ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa, thể thao của người dân ở nông thôn. Tăng cường công tác phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển văn hóa nông thôn giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng đến xây dựng gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; tạo chuyển biến về xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường xã hội, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn mới. Xây dựng, củng cố thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin và thể thao ở nông thôn; tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Chú trọng phong trào toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, tạo nền tảng vững chắc và góp phần thiết thực trong việc xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh; quan tâm củng cố, phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác tư tưởng văn hóa. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cùng các phong tục, tập quán tốt đẹp. Đồng thời, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, tổ chức tốt các lễ hội nhằm đảm bảo tính thiết thực, tiết kiệm, an toàn; tiếp tục quản lý và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử-văn hóa, tăng cường kiểm tra các dịch vụ văn hóa trên địa bàn. Xuân Ngọc

699 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 611
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 611
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76789743