Ngày 14/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống (1949-2019). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương...

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: 70 năm phấn đấu xây dựng, trưởng thành và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; là động lực và hình mẫu cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục chính trị, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: Minh Châu

“Chúng ta tự hào về truyền thống quý báu của trường Đảng Trung ương, cái nôi đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc ta: Luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã liên tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ và thách thức để phát triển.

Chỉ ra những hạn chế, bất cập của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh như: việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy còn chậm so với yêu cầu thực tiễn; nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa việc học tập nâng cao tri thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý với rèn luyện đạo đức cách mạng; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có nhiều công trình lớn đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng; hiệu quả hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học còn hạn chế; đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có uy tín còn mỏng, có những hụt hẫng về các thế hệ cán bộ; cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ở các học viện khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin chưa kết nối với hệ thống các trường chính trị trong cả nước… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, đặc biệt là yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn, xác định sứ mệnh, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, giá trị cốt lõi và các định hướng phát triển Học viện trong những thập kỷ tới.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm  - Ảnh: Minh Châu

 “Cần phải nhận thức sâu sắc: Học viện là trường Đảng có sứ mệnh ưu tiên hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tập trung nghiên cứu, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi mở.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Học viện cần quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội.

Đánh giá cao nỗ lực của Học viện những năm qua đã phối hợp có hiệu quả với các cơ quan liên quan, tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp chiến lược, cũng như các lớp cập nhật tri thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các địa phương, cơ quan, đơn vị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên.

Học viện cần thực hiện thật tốt vai trò là trung tâm quốc gia hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, giảng viên lý luận chính trị cho các trường chính trị, các trường cán bộ và các trường đại học trong cả nước; đầu tư nhiều công sức và nguồn lực hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các kết quả nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục chính trị và tư vấn chính sách. Đội ngũ các nhà khoa học của Học viện cần chú trọng công tác tổng kết thực tiễn và khái quát, nâng lên tầm lý luận, đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc chuẩn bị nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt, là trường Đảng Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần ý thức rất rõ, chăm lo công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ Học viện thật sự là một đảng bộ gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Học viện cần phải đi đầu trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm và nguồn lực đầu tư xứng đáng cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Học viện giữ gìn những chuẩn mực văn hoá trường Đảng, chú trọng mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, xứng đáng là một học viện được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, do chính đích thân Người sáng lập, chỉ đạo.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng

phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: Minh Châu

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện là cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Học viện đã đào tạo nên lớp lớp cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của Đảng và hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ. Hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp được học tập và rèn luyện tại Học viện, trở thành nguồn cán bộ quý báu lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân viết nên những trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Học viện cũng có những đóng góp to lớn vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định vị thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước.

Đội ngũ các nhà khoa học của Học viện là lực lượng chủ lực giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin; đi đầu trong việc nghiên cứu làm rõ nội dung, khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những luận chứng thuyết phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng.

Với những đóng góp liên tục, to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác./.

Minh Châu