Cuốn sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975) - Từ thực tiễn nhìn lại”.
Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tháng 1/2015 với số lượng 1640 cuốn. Trong một thời gian ngắn đã phát hành hết, và chỉ 4 tháng sau đó đã có 2 lần tái bản liên tiếp. Năm 2017, cuốn sách được tái bản lần thứ 3, có nhiều chỉnh sửa, bổ sung nhiều thông tin tư liệu quý, mới, với hơn 1000 cuốn.
Nội dung cuốn sách đề cập đến quá trình đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của tù chính trị câu lưu - loại tù đặc biệt tại Côn Đảo. Đó là các tù nhân không thể kết tội, không án tiết nhưng bị giam giữ vô thời hạn... Trên danh nghĩa, tù chính trị câu lưu bị giam giữ tối đa 2 năm, nhưng trên thực tế có người bị giam cầm như án tù chung thân cho đến năm 1975 mới được giải phóng cùng đất nước và rất nhiều người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh chống ly khai, bảo vệ khí tiết của mình. Đấu tranh chống ly khai, bảo vệ khí tiết, bảo vệ phẩm chất cao quý của tù chính trị câu lưu tại Côn Đảo chống lại chính sách "tố Cộng, diệt Cộng" thâm độc của địch nhằm tiêu diệt sinh mạng chính trị và thể xác của người chiến sĩ cách mạng, nên người tù bị tra tấn, đánh đập dã man, bị thủ tiêu, bị bỏ đói, hoặc bị bỏ mặc cho bệnh tật hành hạ đến chết.
Giá trị to lớn của cuốn sách là sự phong phú về sử liệu, tư liệu ký ức và sách tham khảo đã được các tác giả khai thác rất công phu và sử dụng có hiệu quả để trở thành một công trình biên soạn có giá trị.
Cuốn sách "Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975) - Từ thực tiễn nhìn lại" là một tài sản tinh thần vô giá viết về cuộc đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc Việt Nam, là tượng đài chiến thắng sau gần hai thập kỷ đấu tranh một mất một còn, để khẳng định chân lý: "chính nghĩa thắng bạo tàn"./.
VH