Giới phân tích: Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ khó có thể bị đảo ngược 

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump và các đồng minh trong đảng Cộng hòa sẽ từ bỏ những thách thức pháp lý, thậm chí có khả năng sẽ đưa ra hành động vào ngày 6/1 tới.
Giới phân tích: Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ khó có thể bị đảo ngược

Chính trường Mỹ chìm sâu vào rối ren khi Tổng thống Donald Trump và các đồng minh trong đảng Cộng hòa đã không từ bỏ những thách thức pháp lý trong nỗ lực cuối cùng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử, cho dù những nỗ lực này được dự đoán là rất khó khăn.

Chia rẽ hậu bầu cử

Sau ngày bầu cử 3/11/2020, nhóm pháp lý của Tổng thống Trump do luật sư riêng Rudy Giuliani đứng đầu, đã thực hiện một loạt các hành động pháp lý nhằm đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 với cáo buộc có nhiều phiếu bầu bất hợp pháp.

Tuy nhiên nỗ lực trên đã bị thất bại ở nhiều bang chiến địa quan trọng như Pensylvania, Michigan, Nevada và cả Georgia.

Cho tới nay, mặc dù không thừa nhận thất bại, nhưng Tổng thống Trump cũng đã đồng ý khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ.

Chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 một lần nữa được củng cố vững chắc khi ngày 14/12, cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận ông vượt qua đương kim Tổng thống Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

[Lộ bản ghi âm Tổng thống Trump yêu cầu bang Georgia lật ngược kết quả]

Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri tại 24 bang, trong đó có nhiều bang chiến địa quan trọng gây tranh cãi như Michigan, Pennsylvania, Georgia và Wisconsin, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri.

Theo Hiến pháp Mỹ, kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ được gửi tới Quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6/1/2021 với sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. Đây là bước thủ tục cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Nhiều người hy vọng căng thẳng sẽ giảm bớt được phần nào sau khi các đại cử tri bỏ phiếu.

Tuy nhiên, đã chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump và các đồng minh trong đảng Cộng hòa sẽ từ bỏ những thách thức pháp lý, thậm chí có khả năng sẽ đưa ra hành động vào ngày 6/1 tới.

Và không ngoài dự đoán, ngày 2/1, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz cho biết ông cùng một nhóm gồm 10 thượng nghị sỹ khác của đảng này sẽ phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tại cuộc họp của Quốc hội vào ngày 6/1 tới.

Trong một tuyên bố chung, nhóm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa do Thượng nghị sỹ Ted Cruz đứng đầu khẳng định sẽ bác bỏ kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn trừ khi Quốc hội chỉ định một ủy ban bầu cử với đầy đủ quyền điều tra và tìm hiểu thực tế nhằm tiến hành một cuộc kiểm tra khẩn cấp trong 10 ngày đối với kết quả bầu cử ở các bang tranh chấp.

Sau khi hoàn thành, các bang riêng lẻ sẽ đánh giá kết quả của ủy ban và có thể triệu tập một phiên họp để xác nhận sự thay đổi trong lá phiếu của họ nếu cần.

Trước đó, ông Josh Hawley, Thượng nghị sỹ đầu tiên của đảng Cộng hòa cùng với nhiều thành viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, dẫn đầu là hạ nghị sỹ Tommy Tuberville của bang Alabama, cũng tuyên bố sẽ tham gia phản đối kết quả bầu cử.

Ngay lập tức, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã hoan nghênh những nỗ lực của một nhóm các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa nhằm thách thức kết quả bầu cử tại cuộc họp của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/1 tới.

Trong một động thái gây sức ép mới nhất của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020, trong cuộc gọi điện ngày 3/1, Tổng thống Trump liên tục yêu cầu ông Brad Raffensperger, người phụ trách vấn đề đối ngoại bang Georgia, "tìm" hơn 11.000 phiếu bầu cần thiết để ông có số phiếu vượt qua số phiếu mà ông Biden đang dẫn trước hiện nay, theo đó có thể thay đổi kết quả bầu cử của bang này.

Theo đoạn ghi âm, Tổng thống Trump đã chất vấn về tin đồn rằng những phiếu bầu cho ông đã bị “chia nhỏ” ở hạt Fulton, nơi có thành phố lớn nhất của bang này là Atlanta, một pháo đài của đảng Dân chủ.

 

Tuy nhiên, đoạn ghi âm cho thấy ông Raffensperger đã bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống Trump, cho rằng đây là cuộc bầu cử công bằng và chính xác, đồng thời từ chối đáp ứng mong muốn của Tổng thống. Hiện Nhà Trắng và văn phòng của ông Raffensperger từ chối bình luận về thông tin trên.

Trong khi đó, ông Mike Gwin - phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ đắc cử  Biden, đã bác bỏ hoàn toàn kế hoạch thách thức kết quả bầu cử tổng thống của nhóm nghị sỹ của đảng Cộng hòa trong phiên họp Quốc hội sắp tới.

Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Chuck Schumer cũng ra tuyên bố về động thái mới nhất của Thượng nghị sỹ Ted Cruz cùng các nghị sỹ khác về việc thách thức kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trong tuyên bố trên Twitter, ông Schumer khẳng định: "Ông Biden và bà Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống của Mỹ trong 18 ngày tới."

Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris cũng đã chỉ trích cuộc điện thoại của Tổng thống Trump với ông Raffensperger và gọi đây là hành động "lạm dụng quyền lực" của một tổng thống Mỹ.

Khó có thể đảo ngược

Dù nhóm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tại cuộc họp của Quốc hội vào ngày 6/1 tới và nhóm thượng nghị sĩ này hiện đang làm việc riêng với Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Josh Hawley trong nỗ lực cuối cùng nhằm thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.

Tuy nhiên, những nỗ lực này được giới phân tích dự đoán khó có thể đảo ngược được chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử vừa qua.

 

Giả thiết đặt ra là nếu một thành viên tại Hạ viện và Thượng viện phản đối quá trình kiểm phiếu vào ngày 6/1, hai viện Quốc hội sẽ phải tranh luận trong hai giờ trước khi đưa ra biểu quyết về sự phản đối đó.

Nhìn lại quá khứ, vào năm 2016, các nghị sỹ Dân chủ tại Hạ viện đã đưa ra phản đối, nhưng không có phản đối thứ hai từ một thượng nghị sỹ. Năm nay kịch tính có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cả hai viện sẽ phải duy trì sự phản đối, và nỗ lực thách thức pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ khó có thể thành công bởi Hạ viện, do đảng Dân chủ kiểm soát cũng như một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết sẽ bác bỏ sự phản đối kết quả bầu cử.

Thực tế cho thấy trước động thái thách thức kết quả bầu cử Mỹ của Nhóm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, ngày 3/1, các Thượng nghị sỹ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ra tuyên bố chung kêu gọi Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020 với chiến thắng thuộc về ông Biden.

Hơn nữa, việc Tòa án Tối cao Mỹ trước đó đã bác bỏ vụ kiện do Tổng chưởng lý bang Texas dẫn đầu với sự tham gia của 17 tổng chưởng lý các bang và 126 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đòi hủy bỏ hàng triệu phiếu bầu ở 4 tiểu bang dao động Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, đồng nghĩa vụ việc đã kết thúc và Tổng thống đắc cử Joe Biden cùng liên danh tranh cử Kamala Harris có thể “danh chính ngôn thuận” bước vào Nhà Trắng từ ngày 20/1/2021.

Ngày 3/1, nhiều cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng tất cả các khiếu nại pháp lý đối với kết quả bầu cử tổng thống đã bị tòa án bác bỏ và các lá phiếu đã được các thống đốc bang chứng nhận. Chính vì vậy, đã đến lúc để chính thức xác nhận các lá phiếu của Đại cử tri đoàn./.

Thanh Lâm (TTXVN/Vietnam+)

 

442 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 914
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 914
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87052327