|
TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
“2017 là năm thay đổi bản lề về động cơ tăng trưởng với niềm tin về một Chính phủ hành động. Với một vật thể đang trì trệ thì khó nhất là bước chuyển động ban đầu, nhưng Chính phủ đã lay chuyển để tạo được bước chuyển động ban đầu đó”, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại hội thảo khoa học sáng 15/11.
Chủ trì hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ đây là cơ hội rất tốt để Chính phủ và cá nhân ông lắng nghe các ý kiến.
Bởi hội thảo quy mô tuy không thật lớn, nhưng quy tụ nhiều chuyên gia, giới nghiên cứu, các nhà quản lý kinh tế của đất nước qua các thời kỳ và đặc biệt có sự tham gia của hầu hết các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Trình bày đầu tiên, TS. Trần Đình Thiên cho rằng đây là thời điểm chín muồi để bàn lại một cách bài bản, hệ thống về chủ đề không mới này.
“Phải cổ động đà chuyển biến”
“Trong bối cảnh GDP quý III/2017 tăng cao đột biến, câu chuyện không chỉ là số liệu mà còn là cách nhìn về tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, Viện trưởng Trần Đình Thiên nói và điểm lại những nguyên nhân khiến GDP quý III tăng cao, như đầu tư tăng mạnh, nông nghiệp tăng đột biến, dịch vụ, chưa kể đầu tư nước ngoài có đóng góp đáng kể trong ngắn hạn như Samsung, Formosa.
Quan trọng hơn, nỗ lực hành động của Chính phủ trong vài năm qua đã khiến doanh nghiệp lấy lại lòng tin, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục, tinh thần khởi nghiệp lên cao.
Cùng với đó, cơ cấu tăng trưởng đã chuyển dịch tuy còn chậm, từ các ngành khai thác tài nguyên sang các ngành chế biến chế tạo. “Ta phải cổ động cái đà đấy, chứ chỉ tập trung cãi nhau vào 1-2 điểm phần trăm tăng trưởng thì sẽ sao nhãng những động lực tăng trưởng dài hạn”, ông Thiên phát biểu.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu nhìn dài hạn thì thời gian qua, cứ trung bình khoảng 10 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam giảm 1 điểm phần trăm.
“Dường như cách tiếp cận của chúng ta lâu nay vẫn nghiêng về số lượng. Như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói, chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng chúng ta còn thiếu thì làm sao nói đến giải pháp”, ông phân tích và nhắc đến những vấn đề cần giải quyết như sự chênh lệch giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cũng đã dựa vào những ngành khai thác tài nguyên quá lâu.
“Khu vực Nhà nước chi tiêu thường xuyên quá lớn. Tư duy các bộ chỉ quản là chính chứ không phải là kiến tạo và trách nhiệm cá nhân được thay thế bằng trách nhiệm của các cuộc họp. Logic cải cách bộ máy phải khác, nếu không việc tinh giản biên chế sẽ không gắn với hiệu quả bộ máy”, ông Thiên nói.
Khẳng định động cơ tăng trưởng yếu là do thiếu tư duy thị trường và giải pháp đột phá, ông Thiên cho rằng tư duy “tháo gỡ” và “cơi nới” vẫn còn chi phối trong điều hành chính sách. Cùng với đó là tư duy chia đều, dàn hàng ngang lấn át cách tiếp cận theo chức năng, rồi là đầu tàu giống toa tàu, chiến lược “quả mít” thay vì cực tăng trưởng…
Chuyển biến căn bản trong điều hành của Chính phủ
Trong tham luận về môi trường kinh doanh của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định 2 năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
“Phải nói rằng so với nhiều thời gian trước, Chính phủ đã đặt một trọng tâm và chỉ đạo thường xuyên, rất cụ thể, liên tục theo dõi, đánh giá, cập nhật kết quả và tạo áp lực hành chính với các bộ, đặc biệt là các Bộ trưởng, trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời tạo áp lực truyền thông, áp lực xã hội để các Bộ trưởng thực thi chứ không chỉ áp lực tại các cuộc họp. Đây là điểm rất mới”, ông nói.
|
TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhờ đó, nhiều cơ quan, địa phương đã chuyển biến tích cực và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách cụ thể. Nhiều bức xúc được doanh nghiệp phản ánh nhiều năm trời tới nay đã được giải quyết.
Ông Cung lấy ví dụ: Việc kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may gây rất nhiều bức xúc và khiến doanh nghiệp tốn kém vô cùng lớn, doanh nghiệp kêu 5 năm liền không giải quyết được, nhưng sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp tại TPHCM vào tháng 4/2016 thì một tháng sau đã được xử lý.
Vị Viện trưởng cũng nhắc với việc Bộ Công Thương mới đây đã lên phương án bãi bỏ 50% số điều kiện kinh doanh, Bộ NN&PTNT dự kiến cắt giảm 34%, các bộ khác như GTVT, Xây dựng, NHNN, VHTT&DL cũng đã rà soát tuy chưa công bố.
Kết quả, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được cải thiện về điểm số và xếp hạng, tuy nhiên, dư địa cải cách còn khá lớn. Việt Nam đứng thứ 4 về môi trường kinh doanh trong ASEAN, nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với 3 nước dẫn đầu là Singapore, Malaysia, Thái Lan.
“Trong thời gian tới, nếu làm được các yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tạo bước tiến vượt bậc cho Việt Nam”, ông Cung nói.
Thị trường, thị trường và thị trường hơn
TS. Trần Đình Thiên đề nghị trong trong 3 năm tới, để tạo động lực mới cho tăng trưởng thì nên chuyển tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu mang tính định hướng, tập trung các vấn đề căn bản dài hạn là cơ chế, thể chế. Cùng với đó là thay đổi cách làm, phải căn cứ vào các cam kết hội nhập và cuộc cách mạng 4.0.
“Áp lực hàng đầu để thay đổi là công khai minh bạch. Thắp đèn sáng phòng thì chuột không vào, vào cũng phải chạy, còn phòng tối thì đập chuột rất khó”, ông nói.
Nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, ông Thiên ví von: “Ngày xưa cao bồi Mỹ cưỡi ngựa đuổi theo tàu hơi nước 1.0. Ngày nay nếu giới nghiên cứu và quản trị điều hành định dùng xe ngựa truyền thống đuổi theo đoàn tàu siêu tốc 4.0 để kiểm soát thì thật khôi hài”.
Trong khi đó, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn tốt của quốc tế để cải cách. Coi cạnh tranh thị trường công bằng là động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đề cao trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh thành phố. “Trọng tâm cải cách, như chúng tôi đã nói nhiều lần, là thị trường, thị trường và thị trường hơn”, ông nói.
Cụ thể, ông đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu tăng 14-18 bậc về môi trường kinh doanh Việt Nam trong năm 2018. Tạo áp lực mạnh mẽ hơn với các bộ về cắt bỏ điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, với mốc thời gian hoàn thành cụ thể.
Cùng với đó, sửa Luật Đất đai, tạo điều kiện ban đầu hình thành thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp. Ông Cung cho rằng đây là ách tắc cơ bản hiện nay vì chúng ta đã cơ bản có thị trường vốn, lao động… Trong 3 năm tới đây cần tập trung xử lý ách tắc này và nếu làm được sẽ tạo một bước tiến về sử dụng nguồn lực, thay đổi động lực của nền kinh tế.
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Việt Nam cần tận dụng chu kỳ đi lên để tăng sức bật
Trong khi đó, ông Sebastian Eckardt, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở một vị thế tốt, tăng trưởng cao kết hợp với lạm phát thấp, cán cân kinh tế đối ngoại và tỷ giá ổn định. Việt Nam cũng đang tiến nhanh hơn nhiều đối thủ về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, các thách thức nổi lên trong thời gian tới sẽ là lực lượng lao động tăng chậm, đầu tư chưa khởi sắc và tăng trưởng năng suất tương đối thấp. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2008-2016 chưa cao như giai đoạn 1990-2000, tuy đã cao nhiều so với giai đoạn 2000-2008.
“Việt Nam cần tận dụng chu kỳ đi lên để tăng cường sức bật kinh tế vĩ mô”, ông nói và cho rằng việc kích cầu bằng chính sách tài khóa và tăng trưởng tín dụng gây phí tổn lớn và không còn nhiều dư địa.
Do đó, cần tập trung vào chất lượng và sự bền vững thay vì tốc độ tăng trưởng. Cụ thể là củng cố tình hình tài khóa theo hướng bền vững; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân, cải cách DNNN, tăng đầu tư cho con người và đổi mới sáng tạo…
Hà Chính